Dự án Luật phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi: Không thể áp dụng biện pháp hoà giải với trẻ em

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), các đại biểu bổ sung thêm một số nội dung về bạo lực gia đình đối với trẻ em trên nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

 Về hoà giải trong phòng ngừa bạo lực gia đình, đại biểu đề nghị, quy định này không nên áp dụng đối với đối tượng là trẻ em vì đây là đối tượng yếu thế.

Bà NGUYỄN THỊ VIỆT NGA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: “Với đặc điểm thể chất non nớt, đặc điểm tâm lý phát triển chưa hoàn thiện, khi bị bạo lực trẻ em rất hoảng loạn. Tổ chức hoà giải hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn là biện pháp không thể áp dụng với trẻ em. Các vụ bạo lực gia đình mà nạn nhân là trẻ em đều không có mâu thuẫn, tranh chấp từ phía trẻ em nên không cần thiết áp dụng biện pháp này. Trẻ em cũng không thể xem xét, cân nhắc giải quyết tranh chấp với người gây bạo lực cho mình…”

Thống kê cũng cho thấy 80% nạn nhân bị bạo lực gia đình là phụ nữ, trên 68% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 tuổi từng bị bạo lực gia đình. Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị cần lập quỹ hỗ trợ.

Ông TÔ VĂN TÁM, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: “Nên chăng nghiên cứu thành lập quỹ phòng chống bạo lực gia đình để thu hút tốt hơn nguốn vốn xã hội hoá cho công tác này. Nguồn của quỹ và việc sử dụng chi tiêu như thế nào thì giao cho chính phủ quy định…”

Đại biểu cũng cho rằng, việc ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình chỉ phát huy hiệu quả khi thông tin về hành vi bạo lực gia đình được phản ánh kịp thời đến cơ quan tổ chức, người có thẩm quyền. Trong khi đó kênh thông tin quan trọng, chính xác, kịp thời chính là từ người bị bạo lực gia đình và thành viên trong gia đình. Do đó đề nghị nên quy định trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình và thành viên gia đình trong việc báo tin.