Dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện quy định trường hợp doanh nghiệp quốc phòng, an ninh phải đóng phí khi sử dụng

Sáng 3/6, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đọc Tờ trình của Chính phủ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Theo đó, các nội dung sửa đổi tập trung vào các nhóm vấn đề về quy hoạch băng tần, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp thông qua đấu giá; băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển; cấp giấy phép sử dụng tần số...

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về các trường hợp phải nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; quy định về cơ sở xác định mức thu phí sử dụng tần số để làm rõ nội hàm của phí không căn cứ vào giá trị kinh tế của phổ tần, đồng thời quy định trường hợp các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh khi sử dụng tần số phân bổ cho quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế thì cũng phải thực hiện các khoản phí, lệ phí và tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cho ngân sách Nhà nước.

 Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng sửa đổi quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên và bổ sung quy định về kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh. Tờ trình cũng nêu rõ các nhóm vấn đề về sửa đổi thẩm quyền quy định văn bản để phù hợp, thống nhất với các Luật có liên quan như quy định thủ tục cấp phép, cho thuê, cho mượn, thu hồi giấy phép, đấu giá, chuyển nhượng, thi tuyển quyền sử dụng tần số…

Để đồng bộ, thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Đầu tư, Dự thảo Luật cũng đã bổ sung một điều để sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật cũng như quy định để xử lý việc cấp lại, nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và việc đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên, bảo đảm tính khả thi, liên tục của pháp luật, tránh gây xáo trộn ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp. /.