Đức siết kiểm soát súng đạn để ngăn âm mưu đảo chính

Tuần trước, Đức, một trong những nền dân chủ ổn định nhất châu Âu chấn động với âm mưu đảo chính của phong trào cực hữu Công dân của Đế chế. Để đối phó với những mối nguy hại trong tương lai, nước này ngay lập tức đã đưa ra những kế hoạch thắt chặt an ninh, đặc biệt là quản lý chặt chẽ luật sở hữu súng đạn.

Ngày 7/12, cảnh sát Đức triển khai đợt truy quét quy mô lớn, trải rộng ở phạm vi 11 bang, bắt giữ các thành viên của phong trào cực hữu Công dân của Đế chế. Đây là tổ chức vũ trang cực hữu nhiều tháng qua theo đuổi âm mưu chuẩn bị cho “Ngày X” - thời điểm lật đổ chính phủ.

Theo báo cáo, kể từ tháng 11/2021, phong trào này nhiều lần bí mật họp kín, chuẩn bị cho một cuộc lật đổ chính quyền. Đặc biệt, các nghi phạm đều là những cá nhân có vũ khí và biết cách sử dụng chúng. Phong trào này đã cố gắng chiêu mộ các thành viên là binh sĩ quân đội, cả hiện tại lẫn trước đây, đồng thời tích trữ nhiều vũ khí.

Trên thực tế, một âm mưu đảo chính khó có thể thành công ở Đức, vì trật tự nhà nước và hiến pháp nước này rất vững chắc trước bất kỳ nguy cơ lật đổ nào. Tuy nhiên, có thể có nguy cơ xảy ra vụ tấn công tương tự như sự kiện bạo loạn Điện Capitol vào ngày 6/1/2021 ở Mỹ. Chính vì vậy, chính phủ đã ngay lập tức phải tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh.

Trước các cuộc đột kích, Đức đã tịch thu vũ khí của hơn 1.000 thành viên Công dân của Đế chế. Tuy nhiên, ít nhất 500 người khác được cho là vẫn có giấy phép sử dụng súng. Chính vì vậy, Bộ Nội vụ Đức cho biết sẽ gây áp lực tối đa nhằm loại bỏ số vũ khí này, thắt chặt hơn nữa luật kiểm soát súng đạn trong tương lai gần, ở một quốc gia mà việc sở hữu súng tư nhân là rất hiếm.

Thông qua vụ việc này, Bộ Nội vụ Đức cũng muốn thắt chặt thủ tục kỷ luật đối với các thành viên công vụ trong trường hợp họ có hành vi sai trái nghiêm trọng. Đây cũng là cơ hội để Đức rà soát lại nội bộ chính quyền, khi trong những người bị bắt giữ có cả lính đặc nhiệm, cựu nghị sỹ và cựu chính trị gia.

Hồng Nhung