Gặp sự cố ngập nước, cây đổ, người dân TP.HCM có thể gọi đến số điện thoại 1022 để được xử lý

Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM đề nghị khi có bất kỳ sự cố nào liên quan đến hạ tầng kỹ thuật như ngập nước, cây xanh, chiếu sáng,… người dân thông báo ngay đến số điện thoại 1022 để được kiểm tra, xử lý.

Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, qua theo dõi tình hình mưa, ngập nước năm 2021-2022, thành phố có thể xảy ra ngập ở 39 tuyến đường. Trong đó, 15 điểm ngập và 24 điểm ngập tức thời khi mưa, sau 30 phút nước sẽ rút. 

Ông VŨ VĂN ĐIỆP – Giám đốc TTQL hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TP.HCM: “TTQL hạ tầng kỹ thuật đã triển khai duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu, cửa xả… nhằm tăng cường khả năng thoát nước; kiểm tra, rà soát vận hành các van ngăn triều; vận hành tất cả các trạm bơm cố định để thoát nước; xây dựng các đoạn đê tạm để ngăn triều tràn bờ gây ngập.”

Theo kiến trúc sư Khương Văn Mười, việc lập quy hoạch, thiết kế hệ thống cống thoát nước tại TP.HCM đều được các cơ quan chức năng tính toán kỹ từ số lượng dân, lượng nước sử dụng thải ra, lượng mưa trong năm. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu nên mưa lớn tăng và lượng cũng cực đoan hơn, do đó quy hoạch hệ thống cống thoát nước không đảm đương nổi.

Kiến trúc sư KHƯƠNG VĂN MƯỜI: “Vũ lượng tăng lên, thời gian kéo dài, phủ cả một vùng, với lượng nước đó thì hệ thống cống theo thiết kế không thể nào đảm đương nổi. Thiết kế theo lưu lượng bình thường và theo dự đoán. Tại sao không vẽ hệ thống cống to hơn, to hơn thì được nhưng nó phí, thay vì làm như vậy thì mình làm thêm được mấy trăm thước.”

Kiến trúc sư Khương Văn Mười cho biết thêm, ngoài lượng nước do mưa thì nước biển dâng cũng là một trong những yếu tố gây ngập, bởi hệ thống cống thoát nước của TP.HCM không đáp ứng được trong bối cảnh đó.

Mỹ Tho