Ghi hình không phép tại phiên tòa có thể bị phạt tới 15 triệu đồng

Ghi hình tại phiên tòa mà không được phép có thể bị xử phạt tới 15 triệu đồng. Thậm chí, ghi hình có âm thanh tại phiên tòa mà không được phép và phát trực tiếp trên không gian mạng, nhà báo có thể bị phạt tới 30 triệu đồng. Đây là nội dung được quy định trong dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng trình UBTV QH cho ý kiến sáng 15/8.

Theo Tòa án nhân dân Tối cao, Nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh Hội đồng xét xử, người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ, bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Còn trong trường hợp, nhà báo ghi âm, ghi hình mà không được phép và phát trực tiếp trên không gian mạng, có thể bị phạt tiền từ 15.000.0000 đồng đến 30.000.000 đồng. Còn đối với hành vi đưa tin sai sự thật làm trì hoãn, kéo dài thời gian tiến hành hoạt động tố tụng của Tòa án có mức phạt lên tới 40 triệu đồng. Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung là Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. 

Bên cạnh đó, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cũng cho rằng, hành vi cản trở trong lĩnh vực tư pháp bị xử phạt nặng hơn so với cùng một hành vi thông thường.

Ông NGUYỄN HÒA BÌNH, Chánh án TAND Tối cao: “Anh đưa thông tin sai lệch trên báo chí thì có vẻ hơi bình thường, hay là anh gây rối, anh hút thuốc nơi công cộng khác thì cũng bình thường nhưng mà đưa tin sai lệch làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án thì đây là câu chuyện mức phạt phải nặng hơn.” 

Cũng theo dự thảo Pháp lệnh, nhà báo có thể bị phạt tới 1 triệu đồng nếu không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa; không chấp hành sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Tuy nhiên, theo Luật Báo chí 2016, khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật. 

Anh Đức