Gia tăng tình trạng rút BHXH 1 lần - Giải pháp sao cho hiệu quả?

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chỉ riêng 4 tháng đầu năm, gần 370.000 lao động đã rút bảo hiểm xã hội 1 lần, tăng 20% so với cùng kỳ. Theo ghi nhận, tỷ lệ rút BHXH 1 lần ở khu vực phía Nam có tỷ lệ cao khiến cho tình trạng quá tải tại các cơ quan BHXH địa phương. Thậm chí, nhiều trường hợp người dân phải nằm chờ xuyên đêm để chờ đến lượt được giải quyết thủ tục rút BHXH.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, giai đoạn 2016-2022 có hơn 4,84 triệu lao động rút BHXH một lần. Trong đó, 1,24 triệu người quay lại hệ thống (chiếm 27,7%). Theo thống kê, tỷ lệ rút ở đồng bằng sông Hồng khoảng 2,23% trong khi Đông Nam Bộ trên 5% và đồng bằng sông Cửu Long là 10,76%. 

Theo phân tích của các chuyên gia, việc người lao động rút BHXH 1 lần chỉ là quyết định “cực chẳng đã” để giải quyết khó khăn trước mắt; đồng thời chứng tỏ thu nhập của người lao động không có tích lũy và họ chưa hiểu hết về lợi ích khi tham gia BHXH. Đây cũng chính là những yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này, phải có cái nhìn thật thấu đáo khi thiết kế, xây dựng và hoàn thiện chính sách BHXH, trong đó có quy định BHXH một lần. 

Điều 60 Luật BHXH Việt Nam số 58/2014/QH13 quy định rõ các trường hợp được nhận BHXH 1 lần… Điều luật khi thiết kế được cho sẽ bảo vệ quyền lợi tốt hơn trong chính sách bảo hiểm hưu trí cho người lao động (NLĐ), phù hợp với xu hướng tiến bộ trên thế giới…. Thế nhưng, chưa kịp có hiệu lực, điều luật này đã bị “khai tử” khi đứng trước làn sóng ngừng việc phản đối của NLĐ ở nhiều doanh nghiệp phía nam. Thay thế vào đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 93/2015/QH13 tái thiết lại quy định cho phép người lao động được rút BHXH một lần sau một năm nghỉ việc.

Theo các chuyên gia, nếu tiếp tục cho phép rút BHXH một lần, mục tiêu an sinh, BHXH toàn dân sẽ không thể thực hiện được. Do đó, Luật BHXH khi sửa đổi cần nghiên cứu quy định cụ thể các tiêu chí cũng như phương án được rút bảo hiểm xã hội.

Việc người lao động rút BHXH 1 lần rõ ràng sẽ có tác động rất lớn đối với hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam. Trong khi nghị quyết 28 của Trung ương Đảng đến năm 2030 đạt 60% số người tham gia BHXH. Vì vậy, việc rút BHXH 1 lần có thể khiến cho mục tiêu của Việt Nam khó có thể đạt được.

Và để hiểu rõ hơn về vấn đề này, ông ANDRÉ GAMA, Giám đốc Chương trình An sinh xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam chia sẻ một số nhận định với Truyền hình Quốc hội Việt Nam. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Văn Thắng