Xử lý trụ sở dôi dư, làm sao để không lãng phí?

Đề án số 3652 của UBND tỉnh Cao Bằng về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã nêu rõ: khi thực hiện sẽ giảm 3 đơn vị hành chính cấp huyện, 38 đơn vị hành chính cấp xã. Điều này phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển kinh tế - xã hội chung; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, với những hình ảnh đìu hiu, tan hoang của các trụ sở bỏ không mà phóng sự trên vừa nêu, giải pháp nào để tránh lãng phí cho vùng đất còn nhiều khó khăn ấy? 

Qua giám sát, đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng nhận định, việc xử lý các trụ sở dôi dư cần đảm bảo hiệu quả, tính năng sử dụng. Hiện nay các địa phương đang đề xuất phương án giải quyết để tránh lãng phí.

Ông BẾ MINH ĐỨC, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng: “Hiện nay một số địa phương xử lý trụ sở dôi dư còn lúng túng, liên quan tới xác định để bán đất và tài sản trên đất sao cho phù hợp. Thứ hai là thủ tục chuyển giao một số trụ sở cơ quan trung ương đóng ở địa phương, sau sáp nhập họ bỏ đi, để lại cần thống nhất bàn giao lại cho địa phương để xử lý.”

Tại huyện Hà Quảng, sau sáp nhập 2 huyện Thông Nông và Hà Quảng, nhiều trụ sở bỏ không. Huyện đề xuất theo hướng giữ lại 247 cơ sở để tiếp tục sử dụng; điều chuyển 26 cơ sở để làm nhà văn hóa hoặc phục vụ cho mục đích giáo dục. Đối với các trụ sở UBND các xã, thị trấn dự kiến sẽ giao cho các thôn, xóm làm nhà văn hóa. Dự kiến là vậy nhưng rõ ràng việc sáp nhập nên được nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh tình trạng làm trước, xử lý sau như hiện nay.   

Bà NGUYỄN LÂM THỊ TÚ ANH, Bí thư huyện ủy Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng: “Nghiên cứu thật kỹ điều kiện kinh tế xã hội của các địa phương dự kiến sáp nhập để có phương án phù hợp. Có những địa bàn đặc thù, nếu chỉ sáp nhập máy móc gây ra những hệ lụy không cần thiết. Trong quá trình sáp nhập mong muốn cơ quan chức năng có dự báo tình huống, phương án xảy ra sau sáp nhập. Đơn cử như chúng tôi đến nay sau hơn 2 năm sáp nhập bản đồ hành chính mới chưa có.”

Liên quan đến vấn đề này, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản liên quan đã quy đinh cụ thể các hình thức xử lý tài sản công (trong đó có nhà, đất) của các cơ quan nhà nước khi có thay đổi về tổ chức, thay đổi chức năng, nhiệm vụ. Nhưng việc thực hiện không phải một sớm một chiều.

Ông TRẦN HỒNG MINH, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng: “Chúng tôi đã cho sắp xếp lại các cơ sở vật chất, trụ sở, cơ quan. Tới đây có chương trình sắp xếp xong sẽ đấu giá, thanh lý theo đúng Nghị quyết, lấy nguồn lực đó xây dựng lại các đơn vị, trụ sở mới cho phù hợp sau sáp nhập, làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ, người dân tham gia hoạt động ở bộ máy chính quyền.”

Tỉnh Cao Bằng cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục tiến hành rà soát kỹ từng cơ sở nhà, đất để chủ động có phương án sắp xếp khoa học, tối ưu nhất, sử dụng tối đa công năng hiện có, không để cơ sở nào bỏ hoang. Cần tổng kết, đánh giá và tìm ra giải pháp sử dụng hiệu quả, hợp lý tài sản công ở những nơi đã sáp nhập. 

Việt Hà