Giải quyết án hành chính: Chất lượng không cao, tỷ lệ hủy, sửa nhiều

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, năm 2022, tỷ lệ giải quyết, xét xử các vụ án hành chính chỉ đạt 49%; tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy là 4,28%, bị sửa là 3,79%. Tình trạng Ủy ban nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân không phối hợp là rất phổ biến, dẫn tới khó khăn cho Tòa án, kéo dài thời gian giải quyết vụ án, gây bức xúc cho đương sự.

Từ năm 2019, bà Lê Thị Hường đã khởi kiện vụ án hành chính tới Tòa án nhân dân tỉnh Long An để yêu cầu hủy một số quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An. Vụ án đã qua hai lần xét xử sơ thẩm tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, một lần xét xử phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giải quyết lại từ đầu. Đến giờ, sau hơn 6 tháng kể từ khi phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai tuyên án, bà Hường vẫn đang chờ đợi phiên tòa phúc thẩm được mở để giải quyết đơn kháng cáo của mình.

Tòa án nhân dân tối cao đánh giá, việc xét xử án hành chính, nhiều địa phương là không đạt, chất lượng không cao, tỷ lệ hủy sửa nhiều. Nguyên nhân quan trọng là do tình trạng Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa, chậm cung cấp chứng cứ, tài liệu trong thời hạn luật định theo yêu cầu.

Nâng cao chất lượng giải quyết án hành chính là một trong những yêu cầu quan trọng được đặt ra cho các Tòa án trong thời gian tới.

Các giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử, nhất là vụ án hành chính, là một trong nhiều nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại phiên họp thứ 21 tới đây.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thế Anh