Giám sát thực hành tiết kiệm chống lãng phí tại Hải Phòng: Đất để không, lãng phí do vướng cơ chế

Chiều 20/04, Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng tổ chức giám sát công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với các quận Hồng Bàng và Lê Chân, các huyện Kiến Thuỵ, Tiên Lãng. Đây là các địa phương thời gian qua có tiến hành công tác hợp nhất, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, đơn vị sự nghiệp công lập và có các nguồn tài nguyên mặt nước có thể khai thác sử dụng với diện tích lớn.

Hồng Bàng và Lê Chân là 2 quận trung tâm nội đô của thành phố Hải Phòng thời gian qua đã thực hiện việc hợp nhất, sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. 

Đoàn giám sát đề nghị các đơn vị làm rõ phương án quản lý, sử dụng lao động gắn với chế độ tiền lương trên cơ sở áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù mà Quốc hội đã thông qua cho Thành phố Hải Phòng thời gian qua, nhằm đảm bảo kết hợp các chính sách vừa sử dụng hiệu quả ngân sách, vừa tạo động lực cho đội ngũ lao động.  

Ông TỐNG VĂN BĂNG, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng: Nghị quyết của Quốc hội cho thành phố Hải Phòng cơ chế đặc thù, trong đó sẽ có hướng hỗ trợ tiền lương tăng thêm, tối đa là 0,8%, đồng thời liên quan đến Nghị quyết 45 về xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao. Do đó, đề nghị xem xét thêm giữa tăng lương để thực hiện xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao, có mục tiêu hay có phương án nào khác?”

Ông NGUYỄN VĂN PHIỆT, Chủ tịch UBND quận Lê Chân, Hải Phòng: “Giảm được biên chế, thì anh tiết kiệm được, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là cán bộ, công chức viên chức. Trong báo cáo nói như vậy, nhưng thực tế thì không làm được. Bởi vì cán bộ lao động, công chức, viên chức có thang bậc lương. Nếu như tôi có 9 nhân viên mà làm việc của 10 người cố gằng hoàn thành thì lấy số tiền của người thứ 10 giảm để chia cho những người còn lại là không có. Động viên bằng các nguồn tiết kiệm này vào cuối năm cũng là điều cần xem xét để có động viên, hỗ trợ cho các cán bộ.”

Liên quan đến việc quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên, Đoàn giám sát cũng yêu cầu các huyện Tiên Lãng và Kiến Thuỵ báo cáo thêm số liệu, vì đây là những địa phương có diện tích bãi triều ven biển rất lớn.

Ông NGUYỄN VĂN TUẤN, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng: “Kiến Thuỵ đang quản lý chỗ xã Đại Hợp là 315ha nhưng hiện giờ cũng chưa sử dụng vào việc gì cả. Mục đích chính chỉ là để giữ đất và phòng chống bão thôi. Diện tích đất bãi bồi ven sông Kiến Thụy hiện có suýt soát 150ha nhưng cũng không thu được gì. Huyện đang rà soát để xem xét cho dân thuê hoặc tổ chức thuê nếu để thì đúng là rất lãng phí. Tuy nhiên, liên quan đến hàng lang đê, hành lang công trình thuỷ lợi…, nếu cho thuê thì trái quy định của pháp luật.”

Ông BÙI THÀNH CƯƠNG, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, Hải Phòng: “Hệ sinh thái rừng ngập mặn đang lãng phí nhưng huyện không biết dùng vào việc gì do vướng về cơ chế. Đất bãi bồi cũng vướng ở quy hoạch nên không thể cho thuê được. Người dân có khai thác thủ công thì mình không thu được gì ở đó.”

Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đề nghị đánh giá việc coi các cồn cát có thể sử dụng để khai thác, nuôi thuỷ, hải sản là diện tích đất có mặt nước, do tính chất không ổn định của loại tài nguyên này, từ đó có điều chỉnh quy định khai thác cho phù hợp.

Thế Anh