Giám sát toàn diện: Bám sát hơi thở cuộc sống để nâng cao hiệu quả giải trình

Hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là một hoạt động giám sát đã được luật định. Kể từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 được ban hành, hoạt động này ngày càng được quan tâm triển khai thực hiện, góp phần làm rõ những vấn đề bất cập, bức xúc được cử tri và xã hội quan tâm, những vấn đề “nóng”, mang tính thời sự.

Chính vì vậy, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giải trình chính là nhằm phát huy quyền năng giám sát của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Hiệu quả của phiên giải trình về pháp luật phòng chống mua bán người là một ví dụ.

Sáng 8/5/2023, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp đã tổ chức phiên giải trình về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người. Phiên giải trình có sự tham dự của đông đảo lãnh đạo các Bộ, cơ quan Tư pháp, UBND các tỉnh có liên quan. Phiên giải trình được tổ chức sau khi Ủy ban Tư pháp đã khảo sát tại 9 địa phương. Kết quả cho thấy, tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, đối tượng nạn nhân cũng mở rộng. Việc chấp hành pháp luật ở một số địa phương chưa nghiêm. Tình hình trên đặt ra yêu cầu cần có đánh giá, làm rõ thực trạng trên phạm vi cả nước để có giải pháp xử lý.

Hoạt động giải trình hay đối với nghị viện các nước gọi là điều trần, là diễn đàn để các cơ quan chức năng báo cáo rõ những vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, thông tin về những vấn đề xã hội quan tâm. Những năm qua, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã có nhiều đổi mới trong tổ chức các phiên giải trình. Tuy nhiên, cho đến nay, hiệu quả của hoạt động này vẫn chưa được như kỳ vọng.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Khắc Phục