Giám sát tối cao các chương trình mục tiêu quốc gia để tránh trùng lặp, dàn trải

Với 4 chuyên đề đưa ra trình Quốc hội để lựa chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao, các đại biểu cho rằng cần tập trung giám sát về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình Mục tiêu quốc gia tránh trùng lặp, dàn trải.

Đánh giá cao kết quả của các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian gian qua, đã góp phần làm cho diện mạo nông thôn, khu vực miền núi có nhiều khởi sắc; cuộc sống của người dân có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, để các chương trình thực sự hiệu quả thì phải tránh triển khai một cách dàn trải, manh mún, trùng lặp. Do đó, việc tập trung giám sát về nội dung này được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Bà HOÀNG THỊ THANH THUÝ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: “Đây là chương trình tác động rất lớn đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và người dân ở vùng yếu thế, yếu cơ hội để phát triển. Hiện nay, chương trình này còn một số vấn đề liên quan đến việc triển khai còn chậm, nội dung còn chồng chéo, hiệu quả của một số nội dung trong chương trình còn chưa được đánh giá cao cho nên cần thiết phải giảm sát để có điều chỉnh phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển ở các vùng kinh tế này hơn. Và đó cũng là việc thực hiện các cam kết của quốc tế với giảm nghèo bền vững”.

Bà ĐOÀN THỊ LÊ AN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: “Hiện nay, cử tri trên tỉnh Cao Bằng nói riêng và cả nước nói chung, đặc biệt cử tri vùng đồng bằng dân tộc thiếu số và miền núi đang rất mong chờ chính phủ triển khai sớm các nội dung chương trình này. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ đang bị chậm nên tôi mong muốn ưu tiên đề xuất giám sát nội dung này để chúng ta có điều chỉnh và thông qua giám sát để có đánh giá, phương hướng, rút kinh nghiệm để giai đoạn tiếp theo làm tốt hơn.”

Các đại biểu cũng cho rằng, với 3 Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua, tới nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện, nguồn vốn vẫn chưa được triển khai. Đặc biệt các chương trình giai đoạn 2021 -2025 hiện chỉ còn hơn 2 năm để thực hiện nếu không triển khai sớm sẽ bị trễ, mất đi cơ hội phát triển.

Bà ĐẶNG BÍCH NGỌC, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình: “Về việc triển khai dự án, bởi nó có giai đoạn, nếu chúng ta không kịp thời sẽ dẫn tới bị gián đoạn, hoặc có thể những nội dung triển khai bị vướng. Hiện các tỉnh đã xây dựng các kế hoạch. Nếu Chính phủ không kịp thời thực hiện các chương trình, không phân bổ được nguồn lực thì rất khó khăn.”

Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 1 trong 3 chương trình lớn của quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Do đó, việc giám sát tối cao nhằm đánh giá rõ tác động của chính sách đến đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến tạo sinh kế, sẽ giúp có các giải pháp phù hợp để đồng bào phát triển sản xuất, duy trì ổn định trong kinh tế vĩ mô, qua sản xuất thúc đẩy tăng trưởng để lấy nguồn lực quay lại thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội.

Ninh Tùng