Giảm tỷ lệ thất nghiệp đối với lao động có tay nghề

Lao động qua đào tạo bằng các hình thức khác trên 70% nhưng số có bằng cấp chứng chỉ thì hiện nay là trên 26%. Điều này cho thấy kỹ năng tay nghề của lao động Việt Nam còn thấp. Đây là một trong những thực trạng cần được cải thiện nhằm giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp trong thời gian tới.

Từng gắn bó với Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên hơn 10 năm nhưng hiện anh Bách đã nghỉ việc và đến Trung tâm dịch vụ việc làm Thái Nguyên để tìm 1 công việc mới nhưng vẫn chưa có nơi nào phù hợp.

Chất vấn về chất lượng nguồn nhân lực, đại biểu Nguyễn Thị Hà cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, thị trường lao động Việt Nam bắt đầu đã có cải thiện. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực nước ta vẫn ở vị trí thấp so với nhiều nước trong khu vực, tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 26%, trong khi nhiều nước trong khu vực đạt đến 50%, xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam cũng thuộc nhóm cuối của ASEAN.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cho biết, thị trường lao động của Việt Nam còn non trẻ. Hiện nay, các nước trên thế giới thông thường không đánh giá theo chỉ số lao động qua đào tạo nhưng không có chứng chỉ, đa số là lấy căn cứ và tiêu chí có chứng chỉ. Vì vậy, lao động của chúng ta không quá thấp so với khu vực nhưng cũng thấp so với các nước phát triển.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Tất cả những tiêu chí đó để tiến tới một vấn đề là hoàn toàn thị trường lao động của Việt Nam có thể hội nhập được với xu thế chung. Trong nghị quyết này đã nêu 9 nhóm giải pháp rất căn bản. Trong đó, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Phạm Cường – Như Huỳnh