Giao địa phương làm cao tốc Bắc Nam: Khả thi?

Nội dung có giao địa phương làm cao tốc Bắc Nam hay không vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Việc giao cho cơ quan Trung ương làm chủ đầu tư sẽ phù hợp với nguồn vốn ngân sách Trung ương; quản lý xây dựng với Bộ chủ quản đối với dự án. Còn nếu giao cho địa phương làm chủ đầu tư, công tác đầu tư xây dựng sẽ có được thuận lợi khi khai thác được các nguồn lực tại chỗ, kích thích được tính chủ động.

Lắp đặt lưới chống chói là một trong những hạng mục cuối cùng đang được thi công tại Cao tốc Cao Bồ- Mai Sơn trong những ngày này. Đây là dự án duy nhất trong số 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam về đích đúng theo tinh thần của nghị quyết 52 của Quốc hội và cũng là do Sở GTVT Ninh Bình làm chủ đầu tư. Việc giao địa phương thực hiện đã tạo được tính chủ động, kịp thời trong giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng.

Ông NGUYỄN QUANG MINH, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình GTVT, Sở GTVT Ninh Bình cho hay: “Đến nay dự án đã hoàn thành được 97%, phấn đấu sẽ về đích vào ngày 31/12/2021. Việc được giao là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đã giúp địa phương chủ động rất nhiều. Tuy nhiên, để có được chất lượng và tiến độ, chúng tôi phải phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để  thực hiện”

Cao tốc Bắc Nam là công trình cấp đặc biệt với tiêu chuẩn cao, đòi hỏi năng lực quản lý, trình độ chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu dự án quan trọng quốc gia với hệ thống tiêu chuẩn thống nhất. Chính vì vậy, theo nhiều ĐBQH: Nếu giao địa phương làm, phải làm rõ các tiêu chí đáp ứng cụ thể, rõ ràng

Bà ĐOÀN THỊ THANH MAI, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: “Giao địa phương: Cần ghi rõ vào tiêu chí, cơ quan giám sát… khi giao địa phương làm, để tránh tình trạng lệch lạc, không hiệu quả khai thác.”

Một số ý kiến cũng cho rằng: đây là công trình trọng điểm Quốc gia, tuy có thể phân cấp cho địa phương tham gia, nhưng Bộ GTVT vẫn phải là đầu mối của một số hạng mục quan trọng.

Ông NGUYỄN VĂN THỂ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: “Uỷ quyền cho địa phương: Nghiên cứu rõ kết luận của Chủ tịch Quốc hội, tuy nhiên về phía Chính phủ đã thảo luận để có thể san sẻ trách nhiệm và thứ 2 Chính phủ sẽ đưa ra các tiêu chí cụ thể.”

Việc giao cho địa phương cũng cần cân nhắc phù hợp với Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện../.