Giáo dục di sản: Khi kiến thức đến từ thực tế

Có thể thấy di sản không chỉ được coi là tài sản có giá trị giáo dục truyền thống, giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ, mà còn là một nguồn lực to lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với ý nghĩa đó, trong những năm gần đây giáo dục về ý nghĩa, tầm quan trọng của di sản đang được chú trọng ở tất cả các bậc học và đã tác động lớn đến học sinh, trong đó đặc biệt là về tư tưởng, tình cảm. Xin mời quý vị cùng chúng tôi ghé thăm một giờ học về giáo dục di sản tại Hoàng Thành Thăng Long.

Không bảng đen, phấn trắng, cũng chẳng có những dòng kiến thức khô khan trên sách vở, ngày hôm nay các bạn học sinh được đến gần hơn với những hiện vật và lắng nghe những câu chuyện về lịch sử dân tộc một cách sinh động hơn rất nhiều. Những ánh mắt say mê, sự hào hứng trên từng gương mặt các em như một chứng minh về hiệu quả của học từ thực tế.

Nằm trong phân môn giáo dục địa phương của trường Hoàng Cầu, chương trình thăm quan này được Hoàng Thành Thăng Long xây dựng riêng, tập trung bổ túc kiến thức cho bộ môn lịch sử mà các em đang theo học tại trường. Những đổi mới trong phương pháp dạy và học này không chỉ nhận về phản hồi tích cực từ phía học sinh.

Không dừng lại ở quá trình nghe và giảng một chiều, việc được tương tác trực tiếp với các hoạt động thực tế như thế này, giúp các em học sinh tiếp cận dễ dàng hơn với di sản; đồng thời giúp cho di sản không còn là một khái niệm vĩ mô và xa vời với công chúng nói chung và các em học sinh nói riêng mà ngược lại trở nên gần gũi, dễ hiểu và dễ nhớ hơn.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi nội dung chi tiết!

Linh Chi – Hải Linh