• 1706 lượt xem
  • 03:02 15/08/2022
  • Xã hội

Giáo viên bối rối trước chứng chỉ dạy môn tích hợp

Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đã được áp dụng đến năm thứ 3 và đem đến nhiều thay đổi quan trọng. Trong đó, tại chương trình THCS, các môn sẽ được dạy tích hợp thành các tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhằm tạo tính liên kết giữ các môn học. Thế nhưng, việc bồi dưỡng để giáo viên dạy chương trình mới hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.

Được đào tạo để giảng dạy đơn môn và cũng đã quen với việc này, giờ đây, các giáo viên này phải làm quen lại từ đầu với việc dạy tích hợp. Mỗi khi học sinh đặt câu hỏi liên quan đến môn trước đây chưa từng dạy, không phải giáo viên nào cũng có thể trả lời một cách tự tin nhất.

Giáo viên Địa lý: “Liên tục, mình phải trao đổi với các giáo viên dạy bộ môn trái với môn của mình đang tham gia giảng dạy và phải học hỏi rất là nhiều trong quá trình giảng dạy”.

Để đáp ứng việc đổi mới này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai Chương trình bồi dưỡng giáo viên THCS để dạy môn tích hợp. Tuy nhiên, để đáp ứng điều kiện tối thiểu mà chương trình đổi mới đặt ra, nhiều giáo viên phải tự bỏ tiền túi để đi học các lớp chứng chỉ.

Giáo viên môn Sinh học: “Giáo viên chúng tôi phải tự đi học thêm các lớp đào tạo, cấp chứng chỉ các môn tích hợp, nhưng tôi thấy không được hiệu quả trong việc giảng dạy môn học này. Vì vậy, tôi mong lãnh đạo các cấp có sự quan tâm hơn đến giáo viên dạy các môn tích hợp như chúng tôi và có chương trình đào tạo một cách bài bản”.

Đào tạo sư phạm vốn là ngành đào tạo được Nhà nước hỗ trợ học phí, thế nhưng sau khi ra trường, các giáo viên phải đối mặt với việc học bổ sung nhiều chứng chỉ con để nâng hạng, và giờ đây là để đáp ứng chương trình mới.

Bà NGUYỄN THỊ SỬU, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế: “Việc để cho giáo viện phải chủ động về mặt kinh phí hoặc sắp xếp thời gian như thế là không được. Tâm lý của giáo viên họ cũng không hăng hái và sẽ xáo trộn về mặt tâm lý, do việc đào tạo là yêu cầu bắt buộc, cấp thiết của một chương trình giáo dục mới, thì nhà trường phải đứng ra tổ chức, tạo điều kiện cho giáo viên được tham gia các lớp học, được tập huấn và cũng tạo điều kiện về mặt kinh phí, cơ sở vật chất để đảm bảo giáo viên tiếp thu đầy đủ”.

Theo các quyết định của Bộ GD&ĐT, kinh phí của việc bồi dưỡng được xác định từ các nguồn: Ngân sách Nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương; từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng và do người học tự đóng góp. Tuy nhiên, theo Quyết định 404 của Thủ tướng phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thì giáo viên không phải đóng kinh phí khi "tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới".

Ông TRƯƠNG XUÂN CỪ, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Để các nhà trường chủ động trong công tác bồi dưỡng, để các giáo viên có trách nhiệm hơn và để khẳng định chất lượng đến đâu thì cuối năm Phòng Giáo dục có thể tổ chức các bài kiểm tra đối với giáo viên nhằm tiếp tục định hướng ra những nội dung bồi dưỡng những năm tiếp theo”.

Bên cạnh đó, việc đào tạo gấp rút 20-36 tín chỉ trong thời gian 3 - 4 tháng, hình thức chủ yếu là online cũng chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”. Nếu chỉ dựa vào một chứng chỉ để dạy học theo chương tình mới, thay vì một chiến lược bồi dưỡng lâu dài, có lẽ người học sẽ là đối tượng thiệt thòi nhất khi chính giáo viên còn đang bối rối với việc giảng dạy. 

Ninh Tùng