Giữ gìn văn hoá truyền thống và phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới

Không chỉ đổi thay và phát triển về kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội, nhiều địa phương còn có cách làm nông thôn mới mang nét riêng. Thời gian qua, du lịch nông thôn gắn với nét đẹp văn hoá truyền thống đã phát triển nhanh với nhiều mô hình, tour du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách như: khám phá khu bảo tồn thiên nhiên; du lịch làng nghề, nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng.

Thực tế cho thấy, phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đã  góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đây cũng là giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững trong giai đoạn tới theo Nghị quyết của Quốc hội và các Chương trình, Đề án của Chính phủ.

Tận dụng lợi thế địa phương với những nét mang đậm bản sắc dân tộc, người dân ở xóm Luỹ Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình đã xây dựng nông thôn mới với cách làm riêng. Là một trong những gia đình làm du lịch có hiệu quả, thông qua homestay của gia đình, anh Đinh Văn Đương đã giới thiệu được nhiều nét văn hoá, sản vật độc đáo của dân tộc tới du khách. Cũng từ ngày chuyển sang làm du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, kinh tế gia đình anh đã khá hơn trước, đồng thời giúp anh lưu giữ bản sắc dân tộc mà cha ông để lại.

Anh ĐINH VĂN ĐƯƠNG, Xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình: "Để phát triển du lịch ở đây phải đảm bảo văn hóa của mình. Ở đây chắt lọc tinh hoa văn hóa như nhà sàn có thể cải tạo nhưng chỉ nâng cao lên, nhà gọn gàng hơn, vệ sinh hơn. Ngoài ra để đảm bảo văn háo dân tộc chuẩn nhất là giữ nhà sàn, trang phục của ông bà cũng nhắc lưu giữ."

Còn tại bản Lao Chải 1, xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, khung cảnh nông thôn đã có nhiều đổi thay, cảnh quan sạch đẹp. Đặc biệt, những nét văn hóa truyền thống của dân tộc được giữ vững và giới thiệu tới du khách. 

Chị NGUYỄN THỊ THANH HÀ, Du khách: “Tôi đã được vào nhà của từng hộ dân, được xem bà con thêu váy, đi nhặt rau cùng bà con rất mới lạ và thích thú. Đấy là cảm giác mới khi tôi là người miền xuôi đến đây lần đầu.”

Thu nhập cải thiện, đời sống nâng cao, diện mạo nông thôn từng bước đổi thay, bản sắc văn hoá được giữ vững, môi trường được bảo vệ… là những “cái được” không thể phủ nhận của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong hơn 10 năm qua. Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới phải là kết hợp hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, xã hội và giữ những giá trị truyền thống. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới chất lượng phải hướng tới kiến tạo không gian. Đó cũng là một phần trong Nghị quyết 19, nâng cao năng lực và tổ chức đời sống của người dân nông thôn, bảo tồn, giữ gìn những giá trị truyền thống, văn hóa, môi trường sinh thái của địa phương đó.

Ông LÊ MINH HOAN, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Chúng ta tiến tới mỗi địa phương có thể tự hào rằng mình không chỉ có bao nhiêu xã nông thôn mới, bao nhiêu huyện nông thôn mới, bao nhiêu xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu mà phải giới thiệu mình có hình ảnh nông thôn có thể được xem là di sản của địa phương, di sản nó sẽ bao hàm nhiều giá trị trong đó.”

Xây dựng nông thôn mới có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, và người dân ở nông thôn thực sự phát huy được tính chủ động, sáng tạo của mình, vừa sản xuất nông nghiệp, vừa cung ứng dịch vụ để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống nhưng cũng giữ gìn bản sắc dân tộc. Dù có nhiều cách làm mới, nhưng ở nhiều nơi như Luỹ Ải hay Lao Chải, bản sắc dân tộc, nét văn hoá riêng vẫn được giữ nguyên vẹn. Đây sẽ tiếp tục là một trong những định hướng quan trọng cho chương trình giai đoạn tới, hướng tới phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Cao Hoàng