Gỡ vướng khen thưởng cho Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

“Công tác thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương là một trong những nội dung còn nhiều vướng mắc trong thực tế và đòi hỏi phải có những sửa đổi trong Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)”.

Cho ý kiến về Việc bổ sung quy định về thi đua khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tại dự thảo luận này, một số đại biểu cho rằng dự thảo nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật gửi kèm hồ sơ dự án đã lấp khoảng trống pháp lý đối với thi đua, khen thưởng của đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội như hiện nay. Tuy nhiên việc khen thưởng hàng năm cho các đại biểu  chuyên trách ở Trung ương và địa phương đang rất khó để thực hiện. Đại biểu đề nghị cần bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc hướng dẫn về thi đua, khen thưởng. 

Ông BẾ MINH ĐỨC - Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: “Do không có quy định tiến trình khen đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương nên dẫn đến nhiều đại biểu chuyên trách ở địa phương cũng không được khen thưởng và hàng năm việc bình bầu các danh hiệu thi đua đối với đại biểu chuyên trách ở địa phương không có đơn vị nào thực hiện.để công tác thi đua, khen thưởng có căn cứ thực hiện không chỉ đối với đại biểu Quốc hội mà còn đối với Hội đồng nhân dân các cấp, tôi kiến nghị dự thảo luật quy định bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc hướng dẫn về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và các ban, các tổ đại biểu của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.”

Một số đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần phải nghiên cứu để giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hướng dẫn cụ thể hơn về công tác thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương.

Bà NGUYỄN PHƯƠNG THUỶ - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Mặc dù giao cho địa phương thực hiện việc trình xét tặng các danh hiệu thi đua cũng như hình thức khen thưởng nhưng cũng cần phải có hướng dẫn cụ thể để các địa phương dễ thực hiện.”

Bà DƯƠNG MINH ÁNH - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để quy định rõ hơn đối với đối tượng là đại biểu dân cử không chuyên trách cũng không thuộc đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức hay thuộc tổ chức chính trị nào, nếu họ có thành tích thì sẽ do cơ quan nào trình khen và tiến trình khen sẽ như thế nào?”
Đối với  quy định đại biểu chuyên trách ở địa phương thì do địa phương khen thưởng và đề nghị khen thưởng theo phân cấp và thẩm quyền quản lý cán bộ của địa phương. Một số đại biểu cho rằng  quy định này không hợp lý bởi trên thực tế hiện nay các đại biểu chuyên trách ở địa phương thì gần như hàng năm là không có ai xét công nhận các danh hiệu thi đua.

Ông LÊ HỮU TRÍ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà: “Hiện Luật quy định là địa phương thì ai ở địa phương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân hay là ai. Trong khi đó, chúng ta xác định theo một nguyên tắc là ai bổ nhiệm, ai quyết định vấn đề tiền lương thì người đó có thẩm quyền đánh giá cán bộ, xét đề nghị khen thưởng, công nhận danh hiệu. Nếu không khéo quy định như thế này dẫn đến mỗi địa phương sẽ làm mỗi khác và sẽ rất khó cho anh em cán bộ chuyên trách ở các địa phương.”
 

Khắc Phục