Góc nhìn Đại biểu: Cú hích "cơ chế đặc thù" cho Cần Thơ và ĐBSCL vươn xa

Mới đây, tại kỳ họp bất thường lần thứ 1, Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Nhiều nhận định đại biểu Quốc hội cũng như chuyên gia kỳ vọng đây là bước ngoặt và là "cú hích" cho sự phát triển của thành phố vốn chưa phát triển xứng tầm với lợi thế và tiềm năng của mình.

>> Hơn 92% thông qua nghị quyết về cơ chế đặc thù cho Cần Thơ

Đại biểu Quốc hội cho rằng việc ban hành Nghị quyết là tiền đề và tạo điều kiện khai thác hiệu quả các tiềm năng và thế mạnh của thành phố, góp phần thực hiện được các mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về phát triển Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Chuyến tàu đầu tiên chở 500 công-ten-nơ (trọng tải gần 7.000 tấn) từ Hải Phòng qua kênh Quan Chánh Bố đã cập cảng Cái Cui (Cần Thơ), khai mở tuyến hàng hải chuyên công-ten-nơ nội địa Cần Thơ - Hải Phòng diễn ra vào cuối tháng 10/2016. 

 Sau nhiều năm thi công, vượt qua bao khó khăn, thách thức, đầu năm 2016, dự án luồng cho tàu lớn vào sông Hậu đã hoàn thành, được kỳ vọng “mở toang” cánh cửa thông thương bằng đường thủy cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, sau hơn một năm đưa vào khai thác, tình trạng bồi lắng cùng những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc nạo vét khiến luồng sông Hậu ngày càng cạn, tàu lớn không thể vào cảng, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải. 

Ông Lê Tiến Công, Giám đốc Cảng Cái Cui, Tp.Cần Thơ: “Như chúng ta biết cái kênh Quan Chánh Bố rất quan trong trong vấn đề trọng tải thủy. Nếu chúng ta cải tạo tốt thì chúng ta sẽ đưa những cỡ tàu lớn thì sẽ vào được. Và nếu chúng ta khó khăn ở cái kênh Quan Chánh Bố này thì nó chỉ đáp ứng được những cái tàu dưới 10 ngàn tấn Và đối với những vùng nguyên liệu của đồng bằng sông Cửu Long thì nó cần những cỡ tàu lớn để giảm chi phí”.  

Hiện nay, tàu vào sông Hậu có 2 luồng thì cả hai đều không thể tiếp nhận những tàu có trọng tải lớn từ 10.000 tấn trở lên. Cụ thể, luồng chính là kênh Quan Chánh Bố chỉ đi được một chiều, còn luồng Định An là luồng phụ nhưng bồi lắng tự nhiên khiến tàu lớn cũng không thể vượt qua. Luồng sông Hậu “mắc cạn”, không những gây thiệt hại trực tiếp cho các cảng biển trong vùng mà còn khiến hàng hóa “quay đầu” chuyển lên TP Hồ Chí Minh ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản, thủy sản, trái cây... Tân Cảng Cái tuy đã đầu tư sẵn thiết bị để trở thành cảng công-ten-nơ chuyên dụng trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng do tắc luồng sông Hậu, cảng chỉ bốc xếp hàng rời, nhỏ lẻ để duy trì hoạt động.  

PGS. TS Nguyễn Phú Son - Khoa Kinh tế, trường Đại học Cần Thơ: "Quan điểm riêng của tôi là Cần Thơ phải đi theo con đường thương mại dịch vụ Trung tâm logistic mà phải làm sao trở thành kinh tế động lực cho ĐBSCL”.

GS.TS Võ Tòng Xuân: “Chúng tôi thấy mình có lợi rất nhiều nhất, cái lợi thứ nhất là hàng hóa xuất khẩu của các tỉnh nhất là tỉnh sau Sông Hậu sẽ vô mình và như thế thì thu nhập Cần Thơ sẽ tăng lên”.

Để khắc phục những tồn tại còn bất cập trong vận tải đường thuỷ trên luồng sông Hậu, theo các đại biểu nhiều ý kiến cho rằng trước mắt thành phố cần quan tâm phát triển về đường bộ và đường thủy. Việc kết hợp sử dụng luồng hàng hải kênh Quan Chánh Bố và luồng hàng hải Định An (sông Hậu) một cách hiệu quả nhất, kết hợp các phương thức giao thông như đường bộ, đường thủy trong vận chuyển hàng hóa tiêu thụ và xuất khẩu sẽ phát huy vai trò của vùng.  

Đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên: “Trước đây Chính phủ cũng nạo vét đầu tư kênh Quan Chánh Bố dài 35,9 km với tổng mức đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng tạo luồng cho tàu lớn vào sông Hậu. Còn luồng Định An vào sông Hậu thì luôn bị mắc cạn do thường xuyên bị bồi lắng. Do vậy vấn đề nạo vét là hết sức cần thiết. Nhất là khi dự án được thực hiện theo mô hình xã hội hóa thì kết hợp thu hồi sản phẩm đảm bảo cho luồng hàng hải, cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng tp Cần Thơ”. 

Đại biểu Nguyễn Công Long - đại biểu Quốc hội Đồng Nai: "Quốc hội lần này đã thông qua nội dung là dành cho các cơ chế đặc biệt về cơ chế thuế và ưu đãi về thuế, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuê đất, để tạo ra điểm nhấn, tạo ra sức hút cho các nhà đầu tư tham gia vào dự án này. Và với yêu cầu việc nạo vét lòng tuyến của luồng hàng hải phải đảm bảo cho việc lưu thông lòng tuyến trên 10 ngàn tấn và có tỷ suất dầu tư, dự án đầu tư phải trên 500 tỷ”. 

Đồng bằng sông Cửu Long từng được biết đến với dự án luồng sông Hậu, một công trình hàng hải trọng điểm của ngành giao thông vận tải có quy mô lớn nhất từng được triển khai với tổng mức đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng, mục tiêu thông qua 21 đến 22 triệu tấn (hàng hóa tổng hợp) và 450 đến 500 nghìn TEU/năm (công-ten-nơ) vào năm 2020. Nhưng mục tiêu đó đang trở thành thách thức, bởi việc thông luồng Kênh Quan Chánh Bố chưa được triển khai triệt để, hơn 3,8km đoạn tuyến cũng chưa được giải quyết dứt điểm và mục tiêu để tàu 10 ngàn tấn trở lên ra vào được cảng Cái Cui cũng như các cảng khác trong khu vực là điều còn rất xa vời. 

Vừa qua, nguồn vốn đầu tư cho ĐBSCL đã lên tới con số hơn 40 ngàn tỷ đồng, điều này thể hiện sự quan tâm, đầu tư rất lớn của Chính phủ đối với sự phát triển chung của cả vùng. Nhiều công trình xây dựng, hạ tầng giao thông quan trọng của vùng đã hoàn thành, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nằm ở vị trí trung tâm của vùng, Cần Thơ vẫn chưa phát huy các thế mạnh với vai trò dẫn dắt về đầu tàu kinh tế. Tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ ở mức khá, chưa trở thành trung tâm dịch vụ lớn, đa ngành và chưa xây dựng được các trung tâm liên kết sản xuất vùng. Là khu vực dân cư thứ 2, chiếm khoảng 12,3% diện tích tự nhiên của cả nước, đồng thời cũng là vùng số 1 cả nước về an ninh lương thực, chiếm 85% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Vì vậy, vấn đề phát triển kết cầu hạ tầng giao thông cho vùng một cách đồng bộ, nâng cao hiệu quả liên kết vùng là quan trọng, cần phải quan đúng mức. 

KẾT NỐI HẠ TẦNG GIAO THÔNG CHƯA ĐỒNG BỘ, BẤT CẬP TRONG LIÊN KẾT VÙNG 

Thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh, phát sinh nhiều điểm nghẽn ở các chốt kiểm dịch lưu thông ảnh hưởng tới việc vận chuyển hàng hóa, vật tư ra vào khu vực sản xuất. Cùng với đó, do điểm nghẽn giao thông thuỷ, nhất là  tại khu vực phía nam dẫn tới chi phí vận tải đường bộ tăng cao, doanh nghiệp không đặt được tàu và công-ten-nơ để xuất khẩu, tác động đến tiến độ lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu hàng hoá nông sản, nhiều loại trái cây khó tiêu thụ…

PGS.TS Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện thương mại và Kinh tế quốc tế: “Người nông dân không nhất thiết là phải tự đầu tư cho mình từ công nặng hay kho lạnh mà có thể trong ngày sản xuất, chúng ta sẽ chuyển về các trung tâm logictic này để lưu trữ và bảo quản rẻ hơn và để chở xuất khẩu cũng như tiếp nối ra những cung đường khác”.

Với diện tích hơn 1.400 km2, hơn 1,2 triệu dân. TP Cần Thơ, Trung tâm ĐBSCL với nhiều tiềm năng, thuận lợi để phát triển, kết nối giao thương và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, các tiềm năng, lợi thế này vẫn chưa phát huy hiệu quả để thực sự đưa Cần Thơ phát triển trở thành đô thị hạt nhân liên kết và kết nối vùng. Phát triển kinh tế của thành phố này hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, nhất là ngành nông nghiệp, công nghiệp; du lịch chưa tạo được sự đột phá. Ngoài ra, hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ là điểm nghẽn đối với sự phát triển của Cần Thơ cũng như vùng ĐBSCL.  

Đại biểu Nguyễn Công Long, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: “Chúng ta thiếu những trung tâm sản xuất va tiêu thụ, chế biến. bảo quản cũng như là logictic. Cần có một cơ chế chính sách thu hút được và tạo dựng lên được một trung tâm theo mô hình đặc khu đặt ở Cần Thơ để mà thu hút được tất cả các nhà đầu tư vào tạo thành một chuỗi cung ứng từ thu hoạch, bảo quản, chế biến, logictic, xuất khẩu, đảm bảo cho nguồn cung ứng của chúng ta sẽ không đứt gãy”. 

Ông Lê Quang Mạnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ:  "  Để thực sự nó trở thành trung tâm thì chúng ta cần chú ý đến các giao thông khác nữa kể cả đường sắt, hiện nay chúng ta có hàng không, đường bộ và đường thủy nội địa và đường hàng hải sẽ tập trung giải quyết. Đây là vấn đề chúng ta muốn nhấn mạnh hơn trong thiết kế xây dựng chính sách, quan tâm đến vai trò Nhà nước làm gì và doanh nghiệp làm gì. Chúng ta chỉ quan tâm Nhà nước đáp ứng 10-15% là hợp lý còn lại chúng ta phải được 85% đến 90% tiền từ doanh nghiệp từ người dân thì chúng ta mới trở thành trung tâm kinh tế được. Còn nếu ta dựa vào ngân sách Nhà nước thì chúng ta chỉ dừng lại mức độ bình bình như hiện nay.

NGHỊ QUYẾT  CƠ CHẾ ĐẶC THÙ – CÚ HÍCH MẠNH MẼ CHO CẦN THƠ VÀ ĐBSCL VƯƠN XA 

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 1 của Quốc hội vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Cần Thơ. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết ngoài các chính sách đã được Quốc hội cho phép thí điểm ở một số địa phương trong thời gian vừa qua, điểm mới của nghị quyết này là Quốc hội quyết định thí điểm thêm 2 chính sách đặc thù, quan trọng khác về thu hút đầu tư để xã hội hóa việc nạo vét cửa Định An đến các cảng Cần Thơ. Đồng thời đưa ra chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án vào trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ. Đây là cơ sở quan trọng gỡ nút thắt về luồng hàng hải và tiêu thụ nông sản - 2 lĩnh vực mũi nhọn của TP.Cần Thơ cũng như ĐBSCLthời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh việc Quốc hội thông qua nghị quyết về chính sách đặc thù để phát triển Cần Thơ và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. 

Theo đó, Cần Thơ được thí điểm 6 cơ chế, chính sách đặc thù trong 5 năm kể từ ngày 1/3 tới được nhận định là cú hích cho Cần Thơ phát triển xứng tầm. 
1. Về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước: Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu, vay từ các tổ chức tài chính và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho TP vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp. HĐND TP quyết định áp dụng trên địa bàn TP đối với một số loại phí, lệ phí... Trong đó ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm để đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác...
2.Về quản lý đất đai: HĐND TP Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha theo ủy quyền của Thủ tướng.
3.Về điều chỉnh cục bộ quy hoạch: Thủ tướng quyết định việc phân cấp cho UBND TP Cần Thơ phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng quy định.
4. Về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức: Thực hiện cơ chế tạo nguồn cho cải cách tiền lương theo quy định; HĐND TP được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách TP và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức.
5. Các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ đảm bảo một số tiêu chí sẽ được áp dụng các hình thức ưu đãi.
6. Áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư tại khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.   

Ông Trần Hùng - Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh, TP. Cần Thơ: “Tôi kỳ vọng cơ chế đặc thù nầy chắc chắn sẽ góp phần cho TP Cần Thơ phát triển thành phố Cần Thơ phát triển cũng đồng nghĩa là giữ vai trò trung tâm ĐBSCL đó là điều chúng tôi hết sức kỳ vọng và tin tưởng Đảng bộ nhân dân thành phố chung sức thực hiện bằng được cơ chế đặc thù mà Quốc hội dành ưu tiên đặc biệt trong thời gian tới”.

PGS.TS Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện thương mại và Kinh tế quốc tế: “Điểm đột phá là xã hội hóa những phần nào mà nhà nước đầu tư về mặt chiến lược và mặt dài hạn có lợi ích về mặt dài hạn và xã hội thì Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm đầu tư, còn những phần mà có thể xã hội hóa cho hoạt động kinh doanh đem lại hiệu quả thì các doanh nghiệp tham gia. Một số các quốc gia thậm trí họ đầu tư nhà nước nhưng đến giai đoạn khai thác sử dụng được phép vào tư nhân và quản lý sách hiệu quả hơn”.

Nghị quyết được cho là sẽ tạo nguồn lực cho thành phố đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.Ví dụ như việc khuyến khích xã hội hóa các dự án nạo vét theo phương thức thu hồi sản phẩm sẽ vừa giảm chi phí đầu tư, đồng thời tận dụng được nguồn sản phẩm thu hồi là cát, bùn, giảm bớt tình trạng khan hiếm vật liệu san nền, xây dựng cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm cho các tỉnh vùng nam sông Hậu. 

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên: “Tôi cho rằng đây thực sự là 2 dự án trọng điểm có tính chất đòn bẩy để tạo động lực đặc biệt quan trọng trong Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ  đáp ứng được kỳ vọng của hơn 20 triệu người dân và cử tri ĐBSCL”.

Ông Nguyễn Huy Thái - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: “Để có cơ chế phát triển cho 1 vài địa phương trong đó có Cần Thơ của ĐBSCL là điều vô cùng cần thiết. Đất nước ta hiện nay có 7 vùng kinh tế. Vùng kinh tế ĐBSCL 13 tỉnh thành phố hiện nay chưa có 1 tỉnh thành nào được xem xét về cái tạo điều kiện thí điểm làm sao chúng ta có thể thực hiện hiệu quả nhất và kịp thời. Có những điều chỉnh để trong một thời gian sớm nhất thực hiện tốt nhất mục tiêu phát triển địa phương và cả vùng đó”.

Theo dự kiến, Cần Thơ sẽ thí điểm 6 cơ chế, chính sách đặc thù trong 5 năm kể từ ngày 1/3/2022 tới, được nhận định là cú hích cho Cần Thơ phát triển xứng tầm.

Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm vùng. Do đó, vấn đề phê duyệt và triển khai quy hoạch phát triển ĐBSCL, chính sách phát triển tổng thể ĐBSCL và Nghi quyết mà Quốc hội thông qua lần này sẽ tăng cường sự gắn kết nội vùng theo hướng bền vững. Với 2 chính sách nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ sẽ giải quyết bài toán đầu ra cho nông, thủy sản, thiết lập chuỗi cung ứng, tạo điều kiện để hàng hóa nông sản được thông suốt từ thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phối và xuất khẩu, góp phần giải quyết điểm nghẽn về logistics, giảm chi phí vận chuyển cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.