• 3102 lượt xem
  • 13:35 14/06/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay 13/6: Tồn đọng xử lý sau kết luận thanh tra

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội thảo luận, góp ý ngày 13/6 tại kỳ họp thứ 3 này. Một nội dung đáng chú ý là kết quả xử lý sau thanh tra lâu nay đạt thấp. Ngay quý 1 năm nay, toàn ngành Thanh tra đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 2.313 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, nhưng chỉ có 721 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện.

 ĐÁNH RƠI KẾT LUẬN THANH TRA

Thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội, ngày 19/4/2021, Thanh tra Thành phố đã ban hành Kết luận về việc xử lý tranh chấp diện tích chung/riêng, đảm bảo an ninh trật tự tại cụm nhà chung cư New Horizon City, 87 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. Theo kết luận, Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Xây dựng và Kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là VINAENCO) phải thực hiện việc bàn giao 4.600m2 tầng hầm cho người dân. Tuy nhiên, công việc này vẫn chưa được thực hiện, tình trạng người dân không thể gửi xe do bị xóa dữ liệu thường xuyên xảy ra tại chung cư New Horizon City. 

Bà TRẦN THANH VÂN - Chung cư New Horizon City, quận Hoàng Mai, Hà Nội: Theo hợp đồng mua bán thì diện tích để xe 2 bánh thuộc quyền sở hữu chung của cư dân, không thuộc quyền sở hữu riêng của chủ đầu tư. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã chiếm dụng phần để xe 2 bánh của cư dân. Bây giờ là thu phí trái phép, bắt đóng tiền trái phép và giờ người dân phản đối, không đóng tiền thì khóa hết xe, không cho vào”.

Thanh tra TP. Hà Nội cũng chỉ ra việc một chung cư có tới 2 đơn vị quản lý vận hành là vi phạm theo khoản 5, điều 2, Thông tư 06/2019 của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, sau khoảng 5 tháng, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 05 ngày 7/9/2021 lại cho phép một chung cư có nhiều đơn vị quản lý vận hành. Việc chậm trễ trong đốc thúc kết luận thanh tra đã giúp chủ đầu tư từ sai thành đúng. 

Ông TRẦN VĂN VỊNH - Chủ tịch UBND phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội: “Việc một chung cư có nhiều ban quản lý thì trước đây là sai, Tuy nhiên văn bản hợp nhất 05 của Bộ Xây dựng lại cho phép nhiều đơn vị vận hành. Trước đây thì đúng là doanh nghiệp sai, nhưng giờ thì lại đúng”.

Tới nay, sau hơn 1 năm, Công ty Cổ phần Xây dựng và Kỹ thuật Việt Nam vẫn chưa bàn giao xong quỹ bảo trì 2% cho Bản quản trị tòa nhà. Ngoài ra, số tiền chênh lệch chủ đầu tư phải hoàn trả cho cư dân từ hóa đơn nước gần 500 triệu đồng cũng chưa được thực hiện. Trong khi đó, người dân chỉ biết tiếp tục kêu cứu tới cơ quan chức năng.

Ông TRẦN VIỆT HÙNG - Chung cư New Horizon City, quận Hoàng Mai, Hà Nội :"Ở đây phải nói là có phần trách nhiệm của Nhà nước, phường, quận thậm chỉ cả các cơ quan của Thành phố Hà Nội. Những rắc rối, những chuyện dai dẳng từ nhiều năm nay thì chung quy từ việc Chủ đầu tư không chấp hành quy định về quản lý, vận hành chung cư".

Ông PHẠM HUY HƯNG - Tổ trưởng Tổ dân phố 33, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội: “Quyết định văn bản của các cấp các ngành từ dưới lên trên thì đủ cả, pháp luật rất nghiêm. Thế nhưng chủ đầu tư này không chấp hành, coi thường pháp luật, không thực hiện, tình trạng này cứ kéo dài mãi. Tóm lại chỉ khổ người dân. Chúng tôi kêu cứu trình bày nhiều đơn thư lên các cấp lãnh đạo nhưng cũng chưa có trả lời thỏa đáng cho cư dân)”.

Theo chỉ đạo mới nhất từ UBND quận Hoàng Mai, Công ty Cổ phần Xây dựng và kỹ thuật Việt Nam và Ban quản trị nhà chung cư cần tiếp tục bàn bạc, thống nhất, phối hợp để thực hiện xong trước 15/5/2022. Trong trường hợp không thống nhất thì hai bên cần khởi kiện ra tòa để giải quyết.

Luật sư TRƯƠNG ANH TUẤN - Công ty TNHH Luật Pháp Gia, Hà Nội: “Căn cứ diện tích chung/riêng như thế nào thì có 2 vấn đề cần làm rõ, đó là thiết kế cơ sở của dự án sẽ phân ra được chung riêng như thế nào. Thứ 2 là căn cứ vào khoản tiền chi trả của chủ đầu tư liên quan tới diện tích này. Chủ đầu tư tự trả tiền hay phân bổ tới đại diện của người dân. Cơ cấu tài chính phải trả tiền đó thì mới tính được chung riêng. Cơ sở pháp lý như vậy, nếu có tranh chấp thì phải ra tòa để được giải quyết”.

Hàng loạt sai phạm, hàng loạt văn bản từ cơ quan chức năng yêu cầu chủ đầu tư VINAENCO thực hiện khắc phục, nhưng đáp lại là sự chây ỳ của chủ đầu tư. Đây cũng là hậu quả từ việc chậm thực hiện những Kết luận thanh tra đã ban hành, dẫn tới văn bản sau “đá” văn trước và phức tạp hóa vấn đề. Cuối cùng là người dân gánh chịu thiệt thòi.  

Thực tiễn công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra cho thấy đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thường có biểu hiện chống đối, né tránh hoặc chậm thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Do vậy, cần có những giải pháp như: Tuyên truyền, thuyết phục, cưỡng chế…để đối tượng thanh tra cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nhận thức được trách nhiệm của mình để thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.   

Bên hành lang Quốc hội khi thảo luận về Luật Thanh tra (sửa đổi) chiều ngày 13/6/2022, các đại biểu đã góp ý, bổ sung về biện pháp cưỡng chế nên được áp dụng sau Kết luận thanh tra, cũng như có chế tài đủ mạnh để những đối tượng phải thực hiện.    

THIẾU CHẾ TÀI THỰC HIỆN KẾT LUẬN THANH TRA 

Bãi đất bỏ hoang này tại xã Thanh Lâm đã từng được coi là dự án vàng, hứa hẹn sẽ làm thay đổi diện mạo của huyện Mê Linh với tổ hợp nhà và khu dịch vụ sầm uất. Với diện tích hơn 93.000 m2 được UBND tỉnh Vĩnh Phúc (trước đây) giao đất năm 2007, dự kiến 2018 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thế nhưng đã hơn 15 năm trôi qua, đây vẫn chỉ là bãi đất để cỏ mọc. 

Anh TRỊNH XUÂN THUỶ - Xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội: “Chúng em ruộng đất thì bị thu rồi thì chẳng biết làm gì chỉ có đi làm thuê, làm mướn thôi. Bởi vì chúng em ở đây, sống chính là nghề nông nghiệp, ruộng không có thì chúng em chỉ có đi vào khu công nghiệp thôi”. 

Đây chỉ là một trong 60 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh được rà soát trong thời gian qua. 47/60 dự án là các dự án xây dựng khu đô thị, phát triển nhà ở với quy mô lớn. Theo các cơ quan chức năng, có đến 33/47 dự án chậm tiến độ kéo dài tại huyện Mê Linh.

Ông TRẦN THANH HOÀI - Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, Hà Nội: “Do liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, trong điều chỉnh quy hoạch còn liên quan đến chủ trương đầu tư, rồi chính sách giải phóng mặt bằng. Giải phóng mặt bằng là do từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc, khi huyện Mê Linh được sáp nhập về Hà Nội (1/8/2008) thì có nhiều chính sách thay đổi. Thứ hai là do liên quan đến chủ đầu tư, do điều chỉnh như vậy mà sự phối hợp rất thấp cho nên việc triển khai chậm là do có 3 nguyên nhân như vậy…Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát các dự án, thì đây mới chỉ là đợt 1 rà được 60 dự án, thế còn các dự án nhỏ lẻ hiện nay vẫn còn đang tồn tạị vướng mắc thì chúng tôi sẽ báo cáo Thành phố để có phương án xử lý ”.

UBND thành phố Hà Nội vừa có Kế hoạch thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra, chỉ đạo xử lý sau thanh tra đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố. Trong quý 2 năm nay, tập trung hậu kiểm các kết luận thanh tra, kiểm tra để phân loại, đề xuất xử lý theo các nhóm dự án vi phạm. Quý 3 sẽ căn cứ phân loại, tập trung xử lý các nhóm dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và lập hồ sơ xử lý dứt điểm đối với các vi phạm đã đủ căn cứ. Hết quý 4 tập trung xử lý nghiêm các dự án chây ì, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm. 

Ông TRƯƠNG XUÂN CỪ - Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội: “Để nâng cao hiệu lực hiệu quả thanh tra thì các kết luận của thanh tra cần phải kịp thời và đã là kết luận thì nó phải hoàn toàn chính đáng, chính xác bởi vì đã kết luận thanh tra là không sửa đổi được nữa. Như vậy, muốn đạt được ý đấy thì phải nâng chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị của mỗi người làm công tác thanh tra và mỗi tổ chức thanh tra là sự cần thiết”. 

Đây được coi là một động thái mạnh của Hà Nội để giải quyết dứt điểm tình trạng các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai mặc dù đã có các kết luận thanh tra. Nâng tỷ lệ thực hiện Kết luận Thanh tra và hậu Kết luận Thanh tra, mới giải quyết được điểm nghẽn của Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Ông NGUYỄN THÀNH NAM - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ: "Kết quả thu hồi so với kết luận thanh tra thì tỷ lệ chưa cao. Chính vì vậy, chúng tôi kỳ vọng trong sửa đổi Luật Thanh tra lần này làm thế nào nâng được chế tài mạnh lên để nâng cao vai trò trách nhiệm, hiệu lực các cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm thực hiện các Kết luận thanh tra để Luật Thanh đi được vào cuộc sống thực sự, đáp ứng mong mỏi của nhân dân…Chế tài càng mạnh thì hiệu quả quản lý nhà nước càng cao, tôi cho rằng đây là nội dung cần tiếp tục được nghiên cứu. Nếu được thì sẽ tăng được vai trò của Luật thanh tra trong giai đoạn hiện nay  
Muốn vậy thì phải có chế tài để chấm dứt những kiến nghị còn chung chung, cũng như tăng thẩm quyền cho lực lượng Thanh tra chuyên ngành trong Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)".  

Giai đoạn 2011-2021, toàn ngành Thanh tra thực hiện 7.916 cuộc thanh tra hành chính, hơn 2 triệu cuộc thanh tra chuyên ngành, kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước khoảng 376 nghìn tỷ đồng và hơn 95 nghìn ha đất. Tuy nhiên, mới thực hiện được 39 nghìn 742 Kết luận và Quyết định xử lý sau thanh tra. Thu hồi được 172 nghìn 767 tỷ đồng và 14 nghìn 684 ha đất. Những con số là biết nói và cho thấy, tỷ lệ thực hiện các Kết luận thanh tra, còn thấp. Do vậy, việc chỉ đạo thực hiện Kết luận thanh tra cần được thực hiện bằng văn bản và cần nêu cụ thể ai là người phải thực hiện, thực hiện nội dung gì và khi nào thực hiện? Nếu có sai phạm về hành chính, kinh tế thuộc thẩm quyền, thì phải xử lý kịp thời.  

Tồn đọng việc thực hiện các Kết luận Thanh tra, bởi nhiều cuộc thanh tra xong, phải để đấy vì khó thực thi…gây khó khăn cho cơ quan thực thi và bức xúc xã hội. Đơn thư khiếu tố của người dân bị “ngâm tôm” kéo dài, thậm chí Kết luận xong lại để đấy, sẽ gây mất lòng tin. Sửa Luật Thanh tra với chế tài cụ thể và mạnh cho việc thực thi sau Kết luận Thanh tra, là đòi hỏi bức thiết...  

ĐƯA CHẾ TÀI MẠNH KẾT LUẬN THANH TRA

Ông HOÀNG ANH CÔNG - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Bây giờ muốn nâng cao hiệu quả công tác thanh tra thì đầu tiên phải nâng cao trách nhiệm, có chế tài cụ thể đối với những trường hợp không thực hiện kết luận thanh tra. Đây là điều quan trọng mà phải thực hiện nghiêm túc, thực hiện theo tiến độ, thời gian, cường độ xử lý. Chứ nếu chúng ta khi đưa lên các kết luận này, không được các cơ quan thẩm quyền xem xét, xử lý kịp thời thì hiệu quả kết luận thanh tra nó sẽ yếu, thậm chí là vô hiệu hóa trong thực tế. Có nhiều trường hợp có kết luận rồi, nhưng không xử lý dẫn tới những sai phạm tiếp theo, mà chính sai phạm đấy lại là hành vi mà thanh tra đã chỉ ra rồi. Phải khắc phục ngay trong quy định pháp luật, cần quy định cụ thể trách nhiệm người đứng đầu của các cấp, các ngành, trong hệ thống chính quyền, cũng như các cơ quan tổ chức để phải có trách nhiệm thực hiện trong kết luận thanh tra được nghiêm túc”.

Khoản 2 của Điều 40 của Luật Thanh tra 2010 về Xử lý và chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra, quy định: Người có trách nhiệm xử lý kết luận thanh tra mà không xử lý hoặc xử lý không đầy đủ, thì bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.   

Còn Khoản 2 của Điều 41 quy định về Xử lý hành vi không thực hiện yêu cầu, kết luận, quyết định xử lý về thanh tra, như sau: Đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra mà không thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.  

Quy định trách nhiệm của các đối tượng thực thi và phải thực thi Luật Thanh tra 2010 đã có, nhưng quả thực chế tài xử lý vẫn chung chung. Chẳng hạn: Thế nào là xử lý không đầy đủ? Xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định nào của pháp luật? Hình thức và mức độ xử phạt tương ứng là gì?...vẫn ít tính răn đe. Đây cũng chính là yếu điểm, dẫn đến chậm thực hiện các Kết luận Thanh tra.