Góc nhìn hôm nay: 17,8% đơn thư kiến nghị của cử tri chưa được trả lời

Sau phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội 15, tổng hợp báo cáo của Ban Dân nguyện cho thấy: Số lượng đơn thư được công dân gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong năm 2022, đã giảm hơn so với những năm trước đây. Tuy nhiên, tính đến ngày 5.10.2022, vẫn còn 469 kiến nghị chưa được trả lời, chiếm 17,8%.

Sự im lặng khó hiểu này ở cả Bộ ngành và địa phương, chính là nguồn cơn của khiếu nại kéo dài, phức tạp và vượt cấp.

Vấn đề tiếp dân ở chính quyền cơ sở nhiều nơi, vẫn chưa đúng nghĩa và trách nhiệm. Hoặc là chưa thực hiện đúng quy định thời gian tiếp dân định kỳ, hoặc là tiếp hình thức. Nói như một vị lãnh đạo chuyên về lĩnh vực tiếp dân “nếu không biết lắng nghe dân, nếu chỉ tiếp dân cho có, hoặc né đi sau đó tìm cách để kính chuyển đơn, thì nỗi bức xúc của dân hay sự phức tạp-kéo dài của vụ việc, không biết bao giờ mới giải quyết xong”. Tỷ lệ 17,8% im lặng, không trả lời kiến nghị-khiếu nại chính là nguyên nhân khiến cho đơn thư gửi vượt cấp, còn người dân tiếp tục kéo về các cơ quan Trung ương. Cần đánh giá nguyên nhân tại sao và nên có phụ lục kèm theo Báo cáo, để cụ thể những cơ quan nào có trách nhiệm nhưng quá thời hạn vẫn chưa trả lời người dân, thì mới có cơ sở để Quốc hội giám sát và làm rõ trách nhiệm liên quan.

Người đứng đầu các cơ quan hành chính là Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các cấp, phải coi tiếp công dân là 1 nhiệm vụ chính trị cần hoàn thành theo đúng quy định pháp luật. Là những người hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc, lắng nghe, hướng dẫn người dân để có thể xử lý tốt nhất, tham mưu tốt nhất giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị-phản ánh liên quan...thì phải hiểu biết pháp luật, am hiểu đa dạng về nhiều ngành-lĩnh vực. 

Ngọc Dũng