Góc nhìn hôm nay 30/5: Khi nào thì những quyết định khen thưởng "nhầm" bị thu hồi?

Ngày 27.5.2022, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi). Mặc dù đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, nhưng dự thảo luật này tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp, nhằm tạo thi đua khen thưởng thực chất, loại bỏ hình thức hoặc "chạy thành tích, chạy bằng khen" dẫn đến khen thưởng "nhầm".

Thực tế cũng đã chứng minh: có người vừa được khen thưởng thì ít ngày sau đã bị khởi tố, có tập thể vừa được tuyên dương thành tích, phong tặng danh hiệu cao quý, liền sau đó đã bị kỉ luật. Vậy, những cá nhân, tập thể đã được vinh danh nhưng bị kỉ luật, bị pháp luật xử lý thì danh hiệu cao quý đó có bị thu hồi không?

Từ vụ kit test xét nghiệm của Công ty Việt Á, đến nay hơn 40 cán bộ của các bộ ngành, địa phương như y tế, khoa học và Công nghệ, Học viện Quân y cho đến hàng loạt lãnh đạo CDC các tỉnh đã và vẫn tiếp tục bị bắt giữ. Nhiều cá nhân và tập thể từng được nhận, hoặc chuẩn bị nhận huân-huy chương-bằng khen cao quý, thì bị khởi tố, dẫn đến những tình huống “dở khóc, dở cười”.

BỊ KHỞI TỐ KHI CHƯA KỊP NHẬN BẰNG KHEN

Ngày 25/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã Quyết định khởi tố bị can, bắt ông Nguyễn Huỳnh - Phó Trưởng phòng Quản lý giá - Cục Quản lý dược, Bộ Y tế. Cùng ngày 27.5, Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố bị can đối với ông Trịnh Quang Trí - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk và Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trần Gia Phú, Phó Giám đốc Trung tâm xét nghiệm thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ sau khi người này bị phát hiện nhận số tiền hơn 2 tỉ đồng của Công ty Việt Á.  

Đến nay, đã có ít nhất 50 người, với nhiều cán bộ từ Trung ương tới địa phương bị khởi tố trong nhiều vụ án liên quan đến Công ty Việt Á. Chưa kể nhiều quan chức khác đã bị hoặc đang đợi thi hành kỷ luật Đảng.

Cuối tháng 12/2021, vài ngày sau khi Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám Công ty Việt Á) bị bắt, theo Thượng tá Hồ Anh Sơn - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Học viện Quân y, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu kit test Covid-19, Công ty Việt Á tham gia cùng nhóm nghiên cứu kit test Covid-19 từ những ngày đầu, bởi tính cấp bách. Việc chuyển giao gần như đồng thời giữa nhóm nghiên cứu và đơn vị sản xuất là Việt Á để cùng thẩm định kết quả, kịp cho việc sản xuất kit phục vụ phòng chống dịch.

Cựu Thượng tá HỒ ANH SƠN - Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu kit test Covid-19, Học viện Quân y: “Đến thời điểm hiện tại, kit tets của chúng tôi có một vài ưu điểm: Thứ nhất, nó đơn giản, chỉ chạy một lần duy nhất là ra kết quả. Thứ 2, bên Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đánh giá loại kit này phù hợp với nhiều loại máy Realtime khác nhau ở Việt Nam”.

Thượng tá Hồ Anh Sơn từng khẳng định: "Bộ sinh phẩm xét nghiệm NCoV của Việt Nam có độ chính xác cao là kết quả, kinh nghiệm tích lũy nhiều năm của các nhà khoa học. Sai phạm của Việt Á không liên quan tới nghiên cứu kit xét nghiệm". Thế nhưng, ngay sau đó, Thượng tá Sơn đã bị khởi tố, bị bắt tạm giam và chưa kịp nhận bằng khen.  

Công ty CP Công nghệ Việt Á được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, nhưng sau đó đã bị Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự, vậy có bị thu hồi lại huân chương này không? 

Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương khi đó cũng khá lúng túng, vì chưa có tiền lệ xử lý cho tình huống này và giải thích: "Đây thực sự là vấn đề khó khăn khi thu hồi hoặc huỷ bỏ các quyết định khen thưởng tập thể. Vụ Việt Á là do TP. Hồ Chí Minh đề xuất khen thưởng công ty này có thành tích đầu tiên tạo kit xét nghiệm Covid, nhưng sau đó mới phát hiện sai phạm. Ban Thi đua khen thưởng TƯ đã gửi văn bản đến UBND TP.HCM là nơi ban hành Tờ trình khen thưởng, để thống nhất quan điểm xử lý".

Tại Kỳ họp thứ 2, vẫn chưa chốt được việc thu hồi danh hiệu đã tặng thưởng cho tập thể. Nhưng tại kỳ họp thứ 3 này, theo nhiều đại biểu, đã thu hồi được danh hiệu với cá nhân thì hoàn toàn có thể thu hồi danh hiệu với tập thể nếu không xứng đáng.  

Dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) quy định, cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự Nhà nước mà phạm tội do lỗi cố ý, bị áp dụng từ hình phạt tù có thời hạn trở lên, phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm tội khác bị hình phạt tù chung thân, tử hình thì bị tước danh hiệu vinh dự Nhà nước. 

Ông NGUYỄN ANH TRÍ - Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội: “Nếu khen thưởng mà sau này phát hiện các cá nhân đó, tập thể đó đã vi phạm, đã có điều không tốt thì rất cần phải thu hồi các danh hiệu đã khen thưởng. Cần phải tiến hành quy trình này sớm trong quá trình xem xét rồi xét xử cái sai phạm của cá nhân hoặc đơn vị đó, đừng để lâu quá. Tôi cho rằng, sai phạm của Viện Á rõ rồi. Họ đã gian dối trong việc công bố đã sản xuất được kit test đó, chỉ xét về góc độ đấy đã đáng để sớm thu hồi danh hiệu khen thưởng này.”

Tại Kỳ họp thứ 3, một số đại biểu đã trả lời báo chí thẳng thắn về quy định xử phạt, đề nghị thu hồi danh hiệu đã khen thưởng như huân huy chương, bằng khen...nếu như tập thể đó không xứng đáng và điều này là công bằng trong công tác thi đua khen thưởng. 

Bà NGUYỄN THỊ VIỆT NGA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: “Trên thực tế, chúng ta thấy đối với những người có chức vụ quyền hạn, kể cả khi người ta không giữ chức vụ ấy nữa, tôi ví dụ như về hưu rồi chẳng hạn khi có những vi phạm, bị kết án thì vẫn có thể bị cách chức. Cho nên, đối với những danh hiệu mà người ta vi phạm thì việc chúng ta xem xét để tước bỏ cũng là điều dễ hiểu. Còn mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể bao giờ cũng mật thiết với nhau. Chính vì vậy, chúng ta mới đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.”

Ông PHẠM VĂN HÒA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Đây là một vấn đề, cũng phải xem xét lại, coi thời điểm tặng danh hiệu anh hùng, tặng thưởng huân, huy chương là thời điểm đã có sai phạm hay chưa. Nếu trong thời điểm đó, anh đã và đang sai phạm mà không phát hiện được thì sau khi phát hiện, phải thu hồi những danh hiệu đó. Tôi nói trường hợp cụ thể của Cty Việt Á, việc Cty Việt Á là Thành phố Hồ Chí Minh đổ qua cho Ban Thi đua khen thưởng rồi đổ cho Bộ Nội vụ, rồi đổ cho Y tế… Tôi nghĩ rằng, các cơ quan này chưa có sự phối hợp để dẫn đến tình trạng hiện nay mà được tặng Huân chương lao động hạng Ba tới nay vẫn còn chưa thu hồi được. Tới đây, mọi vấn đề cần phải được quan tâm”.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, luật lần này tập trung 4 chính sách lớn. Đó là hoàn thiện hệ thống thi đua; hoàn thiện hệ thống khen thưởng; hoàn thiện chế định, thẩm quyền, đặc biệt là phân cấp triệt để công tác thi đua khen thưởng và hoàn thiện thủ tục hành chính tinh gọn. Luật sẽ được sửa toàn diện, bao trùm toàn hệ thống và các đối tượng, cân đối hài hòa khu vực công - tư, đảm bảo tính khóa học, phù hợp thực tiễn. Bộ Nội vụ tiếp thu góp ý để hoàn thiện Dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) và sớm xây dựng nghị định hướng dẫn ngay khi luật được thông qua.

Bà PHẠM THỊ THANH TRÀ - Bộ trưởng Bộ Nội vụ: “Tính chất đặc thù của Luật Thi đua khen thưởng là có phạm vi rất rộng, vì vậy cần thiết có nhiều điều để Chính phủ hướng dẫn quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa và trên cơ sở Luật được thông qua, chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành Nghị định và sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung những ý kiến, phát biểu xác đáng của Đại biểu trong thẩm quyền của Chính phủ để đưa vào Nghị định và tổ chức thực hiện một cách toàn diện và đáp ứng được yêu cầu của việc đổi mới công tác thi đua khen thưởng.”

Đến nay, Dự án Luật đã được sửa đổi căn bản, toàn diện với 96 điểm, có tới 88 Điều được làm mới, sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý và chỉ còn giữ nguyên 7 Điều. Đáng chú ý, khâu xử lý vi phạm sẽ tháo nút thắt "thu hồi danh hiệu tập thể", vốn gây lúng túng thời gian qua.

Cử tri đòi hỏi phải sửa Luật Thi đua khen thưởng hiện hành theo hướng đảm bảo phòng chống được tiêu cực, có quy định xử phạt và thu hồi danh hiệu nếu sai phạm từ khâu đề xuất cho đến thủ tục thẩm định thực tế. Bởi, câu chuyện khen thưởng nhầm và xử lý hậu quả là chưa tương xứng.

Bởi vậy, Dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) tiếp tục được xem xét, góp ý tại phiên thảo luận ngày 27.5, nhằm phân tích những hạn chế này để sửa đổi, bổ sung, tạo động lực thực sự về thi đua, khen thưởng, cũng như xử lý dứt điểm hậu quả của chuyện "khen thưởng nhầm đối tượng", trước khi các Đại biểu bấm nút thông qua. 

Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đã thống nhất quan điểm: Dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) cần nghiên cứu, bổ sung việc thu hồi huân huy chương đã tặng cho một tập thể như Công ty Việt Á.

THU HỒI DANH HIỆU ĐÃ TẶNG NHẦM CHO TẬP THỂ 

Ông HOÀNG ANH CÔNG - Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: “Ở đây, chúng ta phải phân biệt giữa hai loại, một loại là những thành tích khen thưởng trong quá khứ, trong quá trình chiến đấu, quá trình lao động sản xuất, họ được khen thưởng. Nhưng bây giờ họ vi phạm quy định của pháp luật dẫn đến chuyện họ bị khởi tố, bị điều tra, bị kỷ luật thì cái đó chúng ta có thể làm. Đây là hai việc khác nhau. 

Có thể trong trường hợp đó, những thành tích khen thưởng có thể là một căn cứ để xem xét trong quá trình lượng hình, trong quá trình để xét xử, trong quá trình xử lý, đây cũng là một tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, đối với trường hợp khen thưởng lại liên quan đến hành vi vi phạm, cần thiết phải xử lý, cần thiết phải thu hồi để đảm bảo lòng tin và để tạo sự rõ ràng, minh bạch trong công tác thi đua, khen thưởng cũng như để tuân thủ quy định của pháp luật một cách nghiêm minh, tránh hiện tượng chạy khen thưởng để dẫn đến chuyện người dân người ta không còn tin tưởng vào thi đua, khen thưởng nữa.”  

Một trong những nội dung được sửa đổi, bổ sung nhiều, theo Dự thảo trình Quốc hội, là Chương VII về xử lý vi phạm, với dung lượng dài hơn hai lần so với Luật hiện hành đã được sửa đổi lần gần đây nhất vào năm 2013.

Cụ thể, việc hủy bỏ quyết định tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng, về thu hồi hiện vật, tiền thưởng được áp dụng với 4 trường hợp: Có hành vi gian dối trong kê khai thành tích; Cung cấp thông tin sai sự thật hoặc làm giả hồ sơ, giấy tờ; Thẩm định, xét, duyệt, đề nghị không đúng quy địnhl Có kết luận, quyết định, bản án của cơ quan có thẩm quyền về việc người đã được tặng thưởng có vi phạm, khuyết điểm, dẫn đến không bảo đảm tiêu chuẩn xét tặng thưởng.

Sửa đổi Luật Thi đua khen thưởng lần này, đã quy định trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ quan tham mưu trong khâu phát hiện, đánh giá thành tích, lập hồ sơ, thẩm định và lập Tờ trình về quyết định khen thưởng như trường hợp Công ty Việt Á. Có như vậy mới hết khó xử lý việc thu hồi danh hiệu đã trao tặng cho tập thể, tạo công bằng và động lực thi đua và Luật Thi đua khen thưởng mới hoàn thiện.

Khắc Phục