• 3012 lượt xem
  • 05:42 09/03/2023
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Áp lực thi cử đè nặng lên vai học sinh cuối cấp

Với nền giáo dục đặt nặng thành tích và điểm số, không ít học sinh – sinh viên phải đối mặt với áp lực học tập và căng thẳng. Về lâu dài, tình trạng này khiến các em mất đi niềm vui, sự hào hứng khi học tập và có nguy cơ mắc phải các vấn đề tâm lý, thể chất. Với học sinh cuối cấp, đây là khoảng thời gian nước rút nên áp lực đang ngày càng rõ ràng hơn.

Cốt yếu của giáo dục là đào tạo ra những con người có đầy đủ phẩm chất, năng lực, chứ không phải tạo ra những chiến binh chống chọi với mùa thi. Giảm tải áp lực không chỉ dừng ở việc phụ huynh không ép con học nữa, mà phải thay đổi nhận thức về tuyển sinh, về giáo dục, thay đổi suy nghĩ cố hữu rằng: vào được trường học này thì cánh cửa cuộc đời rộng mở, vào trường khác thì mọi cánh cổng đều sụp đổ.

Hiện các trường đại học đang dần công bố đề án tuyển sinh năm 2023, trong đó nhiều trường nhận hồ sơ xét tuyển ngay từ tháng 2. Bên cạnh duy trì phương thức như năm trước thì năm nay các kỳ thi riêng nở rộ hơn. Thêm cơ hội nhưng cũng thêm thách thức, áp lực… Một vòng quay mùa thi mới lại đang nóng lên từ thí sinh, các trường phổ thông và cả đại học.

Bộ giáo dục và Đào tạo cũng đã đưa ra các yêu cầu điều chỉnh chương trình học để giảm áp lực cho học sinh. Chương trình học đang ngày càng được thay đổi, cải cách, không chỉ tập trung vào lý thuyết mà còn hướng đến thực hành để học sinh tiếp thu nhanh hơn, chú trọng vào các kỹ năng cần thiết. Không chỉ Bộ GD&ĐT mà chính cha mẹ và nhà trường cũng cần tham gia thực hiện việc giảm áp lực cho học sinh, sinh viên hiện nay. Đặc biệt phụ huynh cần phải thay đổi tư tưởng “điểm cao mới là giỏi”, tập cách đặt bản thân vào vị trí của con để đánh giá và xử lý các vấn đề, không nên áp đặt con theo ý muốn của mình. Sự quan tâm đúng cách của gia đình sẽ giúp con thoát khỏi những áp lực nặng nề từ điểm số, thành công. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!  

Phan Hằng