Góc nhìn hôm nay: Bão giá nguyên vật liệu- cao tốc Bắc Nam gặp khó

Chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ đối với tổng thể Dự án cao tốc Bắc Nam đó là thi công chất lượng, đảm bảo tiến độ, bởi công trình đi vào sử dụng sớm ngày nào, thì cũng đồng nghĩa với sớm mang lại những lợi ích to lớn cho xã hội ngày đó. Tuy nhiên, việc đảm bảo tiến độ hay rút ngắn tiến độ lại là bài toán cần nhiều lời giải, nhất là trong bối cảnh bão giá nguyên vật liệu.

CAO TỐC BẮC - NAM GẶP KHÓ DO GIÁ NGUYÊN LIỆU TĂNG GIÁ

Đây là vị trí thi công hầm Trường Vinh thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam đoạn Nghi Sơn- Diễn Châu. Cũng tại vị trí này, cách đây hơn 1 tháng, trong chuyến thị sát kiểm tra các công trình trọng điểm Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu đặt mục tiêu cho dự án phải rút ngắn tiến độ ít nhất 3 tháng. Thế nhưng, những biến động nhanh chóng, khó lường từ giá cả xăng dầu đã khiến đơn vị thi công gặp khó trong việc thực hiện mục tiêu này.

Còn tại gói thầu số 14, dự án thành phần Mai Sơn- Quốc lộ 45, đối mặt với những khó khăn khi giá các nguyên liệu cốt lõi tăng mạnh, đơn vị thi công đang tính đến phương án bù giá, tuy nhiên, đây cũng chưa phải là phương án đảm bảo an toàn tài chính.

Anh LÊ VĂN QUỐC, Phụ trách gói thầu 14 – đơn vị Trung Nam EC, Dự án Mai Sơn- Quốc lộ 45: Hiện nay Ban quản lý đang chỉ đạo nhà thầu tính phương án bù giá, tính theo đơn giá của địa phương, tuy nhiên với tình hình trượt giá lớn như hiện nay nhà thầu hết sức áp lực vì bù giá chưa sát với mức tăng giá."

Ở một số công trường, xăng dầu tăng giá còn khiến việc thi công cầm chừng, mặc dù chỉ còn hơn 1 năm nữa dự án phải hoàn thành.

Anh NGUYỄN VĂN LÂM, Chỉ huy trưởng Công ty Vimeco- gói thầu Số 3, Dự án Quốc lộ 45- Nghi Sơn: “Bây giờ đang rất khó khăn, xăng dầu tăng giá thì các đơn vị vận chuyển đang chờ ổn định giá, hiện vận chuyển hết sức cầm chừng

Trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1, hiện nay, mới chỉ có dự án Cao Bồ - Mai Sơn hoàn thành, 10 dự án còn lại đang triển khai thi công xây dựng; lũy kế khối lượng xây lắp hoàn thành đến nay khoảng 31,1% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 1,41% so với kế hoạch. Có 08 dự án đáp ứng và cơ bản đáp ứng tiến độ, 02 dự án chậm so với kế hoạch, trong đó Dự án Diễn Châu - Bãi Vọt đến nay chậm 6,79% giá trị hợp đồng so với kế hoạch. Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến nay chậm 8,89% giá trị hợp đồng so với kế hoạch điều chỉnh.

GIẢI PHÁP BÙ GIÁ CHO CÁC DỰ ÁN CAO TỐC BẮC - NAM

Trong cuộc đua tiến độ của các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam thì có 4 dự án phải hoàn thành trong năm nay, đồng nghĩa, thời gian còn lại cho 4 dự án này cũng chỉ còn chưa đầy 9 tháng. Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra rất nhiều giải pháp, trong đó, quy định rất rõ trách nhiệm của các ban quản lý dự án và các nhà thầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều nguồn nguyên vật liệu tăng giá, thì việc bù giá là cần thiết. Chỉ số giá chưa được các địa phương công bố kịp thời và chưa phù hợp với biến động thực tế. Do đó, ngành Giao thông đề nghị các Sở Xây dựng các tỉnh công bố giá vật liệu và chỉ số giá xây dựng kịp thời, phù hợp với giá thị trường, xem xét xây dựng chỉ số giá riêng cho các gói thầu các dự án cao tốc, khác với chỉ số giá vật liệu cho các công trình xây dựng trên địa bàn. Thực tế hiện nay thì mỗi tỉnh lại có cách công bố chỉ số giá khác nhau, có tỉnh thì theo tháng, có tỉnh lại theo quý gây khó khăn cho việc thi công chung toàn dự án.

Theo đại diện Sở Xây dựng Thanh Hoá, ngày 15/1, đơn vị này đã xây dựng đơn giá vật liệu, nhân công trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau, thị trường tiếp tục có những biến động giá quá nhanh nhưng theo quy định của tỉnh, việc tính toán trượt giá được tiến hành theo quý.

Ông NGUYỄN HỮU LỄ, Trưởng phòng Kinh tế, Sở Xây dựng Tỉnh Thanh Hoá:So sánh quý 4 với năm 2020 tại Thanh Hóa thì giá thép tăng khoảng 40% và quý 1 tiêp tục tăng. Hàng tháng, hàng quý tính chênh lệch giá tại thời điểm lập dự toán.”

Còn theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện các đơn vị đã rà soát biến động giá cả nguyên vật liệu tại các gói thầu để có báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan

Ông NGUYỄN NGỌC QUỲNH, Giám đốc dự án cao tốc đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Ban QLDA 2: “Tại thời điểm Thủ tướng yêu cầu rút ngắn tiến độ 3 tháng thì chưa gặp cơn bão giá. Đến thời điểm hiện nay khi gặp cơn bão giá, lý thuyết thì nhà thầu vẫn cam kết cố gắng, tuy nhiên dựa vào điều kiện thực tế, nhà thầy cũng phải cân nhắc điều chỉnh lại tiến độ sao cho phù hợp."

Ông LÊ ĐÌNH THỌ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải: “Với những biến động về giá cả hiện nay thì chúng tôi cũng yêu cầu tập hợp lại, những già thuộc thẩm quyền hay vượt thẩm quyền đều phải đưa ra phương hướng giải quyết tháo gỡ cho các nhà thầu, đơn vị thi công. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là động viên và cũng là những chia sẻ trong lúc khó khăn."

Đảm bảo đúng tiến độ, không cho phép giãn tiến độ, thậm chí là dừng thi công là yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến động giá cả, lạm phát đã và sẽ có tác động đến những dự án quy mô lớn. Bên cạnh công tác dự báo thì việc đưa các biến số về sự thay đổi của giá cả vào trong quá trình triển khai dự án là hết sức quan trọng.

Ông VŨ ĐÌNH ÁNH, Chuyên gia Kinh tế: “Chúng ta phải kịp thời đưa những biến động cụ thể vào giá trị của dự án để làm sao phản ánh được kịp thời các biến động trong giá trị dự án cả về tổng thể lẫn giá trị dự án thành phần. Có như vậy chúng ta mới đảm bảo được việc thanh quyết toán cũng như triển khai các dự án đồng bộ, nhịp nhàng”

Trung bình, các gói thầu của dự án cao tốc Bắc Nam đều tính chi phí dự phòng 5-6% cho phần trượt giá. Tuy nhiên, thực tế, phần trượt giá có nguy cơ không đủ, phải cân đối lại từ chi phí dự phòng của cả dự án.

BÙ GIÁ ĐẢM BẢO SẢN XUẤT, AN SINH

Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải đốc thúc triển khai, đặt mục tiêu rút ngắn tiến độ ít nhất 3 tháng đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017 – 2020. Bên cạnh đó, phải tiếp tục thực hiện cao tốc Bắc Nam giai đoạn tiếp theo 2021-2025. Làm thế nào để đảm bảo tiến độ, chất lượng,…cần nhiều  pháp có tính thực tiễn. Theo các chuyên gia, về dài hạn, Chính phủ cần tập trung các công cụ kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát để giảm thiểu nhất những tác động của giá nguyên nhiên vật liệu đến các dự án lớn, các công trình trọng điểm mà điển hình là việc triển khai dự án cao tốc Bắc- Nam ở cả 2 giai đoạn.

Trong phần tham gia giải trình thêm tại phiên chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra tuần trước, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng khẳng định: Chính phủ đã nhận diện từ sớm tình hình tăng giá xăng dầu và các mặt hàng, sẽ có nghị quyết báo cáo cấp thẩm quyền để rà soát, giảm thuế cho phù hợp. Trong trường hợp còn tiếp tục tăng thì sẽ có các cơ chế, chính sách hỗ trợ vào các đối tượng để bảo đảm sao cho sản xuất ổn định, giá thành ổn định.

Phó Thủ tướng Chính phủ LÊ VĂN THÀNH: “Các công trường, nếu chúng ta để giá xăng dầu tăng thì sẽ bị chậm lại, công trình không thể triển khai nhanh và chúng ta phải bù giá. Chỗ này tinh thần là vừa điều hành theo cơ chế thị trường nhưng vừa phải bảo đảm ổn định được kinh tế vĩ mô và bảo đảm sản xuất cũng như đời sống an sinh….”

Bão giá' càn quét khiến 'siêu dự án' cao tốc Bắc – Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Để tháo gỡ vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, ngay trong ngày hôm qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương liên quan khẩn trương kiểm tra, kịp thời xử lý, tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc, trong đó có những vướng mắc liên quan đến giá cả đầu vào nguyên vật liệu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Còn theo các chuyên gia, về dài hạn, Chính phủ cần tập trung các công cụ kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát để giảm thiểu nhất những tác động của giá nguyên nhiên vật liệu đến các dự án lớn, các công trình trọng điểm mà điển hình là việc triển khai dự án cao tốc Bắc- Nam ở cả 2 giai đoạn.

Phan Hằng