Góc nhìn hôm nay: Chuyện bán bảo hiểm qua ngân hàng: "Mua danh ba vạn..."

Thời gian gần đây, THQHVN nhận được nhiều đơn thư của người dân phản ánh sau về việc đến ngân hàng gửi tiền được nhân viên ngân hàng tư vấn gửi tiết kiệm được tặng bảo hiểm. Giờ đây khi xem lại hợp đồng bảo hiểm mới tá hỏa toàn bộ tiền tiết kiệm đều nằm trong hợp đồng nhân thọ của các công ty bảo hiểm lớn. Nếu không có tiền đóng tiếp, người dân sẽ mất toàn bộ phí năm đầu và phần lớn phí 2 năm tiếp theo. Nếu muốn nhận lại đủ vốn, người dân sẽ phải đóng phí ít nhất là 6 năm. Vấn đề là phần lớn người bị mua bảo hiểm qua ngân hàng không cần mua bảo hiểm hoặc cũng không khả năng duy trì hợp đồng bảo hiểm. Và thế là hàng nghìn tỷ đồng từ người dân được sang tay cho liên minh bảo hiểm ngân hàng.

Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm cần thiết với nhiều người nhưng với 73% người mua bảo hiểm qua ngân hàng rõ ràng là không cần thiết. Nói cách khác, công ty bảo hiểm đã bán được sản phẩm cho số 73% người này dù họ không cần. Xin nhấn mạnh là qua kênh ngân hàng. Không có quy định nào cấm ngân hàng và doanh nghiệp liên kết bán bảo hiểm. Cũng không có quy định nào cấm doanh nghiệp bán sản phẩm không phù hợp với khách hàng. Nhưng từ góc độ đạo đức kinh doanh, những doanh nghiệp chân chính sẽ luôn mang tới sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, sẽ luôn nói không với các hành vi gây bất lợi cho khách hàng. 

Cách đây 20 năm, năm 2003, một tin đồn thất thiệt có tính chất phá hoại an ninh tiền tệ đã khiến người dân ùn ùn đi rút tiền tại ngân hàng ACB gây nguy cơ đổ vỡ. Nhưng ngay khi thống đốc ngân hàng nhà nước thời kỳ đó – ông Lê Đức Thúy xuất hiện, nguy cơ đã được giải trừ. Mới đây tình trạng ồ ạt rút tiền tại ngân hàng SCB cũng đã được giải quyết theo cách tương tự.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam những năm qua luôn vững vàng trước các hành động phá hoại an ninh tiền tệ có vai trò quan trọng của niềm tin. Niềm tin của người gửi tiền vào sự uy tín, an toàn của hệ thống ngân hàng Việt Nam gần như tuyệt đối. Thế nhưng câu chuyện bán bảo hiểm qua ngân hàng gây nhiều hệ lụy đã ảnh hưởng tới niềm tin đó.

Để xây dựng nên một thương hiệu, một niềm tin trong kinh doanh mất rất nhiều thời gian, công sức của nhiều người, thậm chí là sự nỗ lực của cả một quốc gia. Nhưng để làm sói mòn niềm tin, để lu mờ thương hiệu thì không gì nhanh bằng tư duy hám lợi dù chỉ là của một bộ phận thiểu số. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Xuân Tiến