Góc nhìn hôm nay: Đóng cửa doanh nghiệp nếu không khắc phục vi phạm về môi trường

Môi trường là lĩnh vực “nóng,” được xã hội quan tâm, là “sức ép” không nhỏ trong quản lý nhà nước. Còn nhớ thảm hoạ môi trường Formosa năm 2016 xảy ra tại bốn tỉnh miền Trung. Để ngăn chặn những vụ việc tương tự phát sinh thì thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường sẽ là giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên Luật Bảo vệ môi trường 2020 đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành.

Ngày 17/3, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam.

Từ năm 1992, Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu được cấp phép khai thác khoáng sản vàng gốc tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu, đến năm 2016 thì hết hạn giấy phép. Nhiều năm qua, từ khi công ty hết hạn khai thác, hoạt động khai thác vàng trái phép tại đây diễn ra hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và ô nhiễm môi trường. Theo đó, tới đây sẽ thực hiện các giải pháp về mặt kỹ thuật, môi trường để đưa các khu vực đã khai thác, các bãi thải, đập thải và luyện quặng vàng về trạng thái an toàn, đáp ứng yêu cầu về môi trường. 

Đây là một tin vui với những người quan tâm đến vấn đề môi trường ở khu vực Bồng Miêu. Tuy nhiên, nhìn trên phạm vi cả nước thì vẫn tồn tại nhiều cơ sở, nhà máy, dự án gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, quy hoạch các khu đô thị chưa gắn liền với vấn đề xử lý chất thải, xử lý nước thải... tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu đô thị...ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động. Vì vậy, việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp là một trong những nội dung được đưa ra chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3 vừa qua.

Việc phê duyệt đề án đóng cửa mỏ Bồng Miêu là một minh chứng cụ thể cho thấy trách nhiệm và quyết tâm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thực thi luật pháp một cách nghiêm minh nhất. Tinh thần “sẽ đóng cửa nếu doanh nghiệp vi phạm về môi trường không chịu sửa chữa, dù cơ quan chức năng đã đưa ra lộ trình khắc phục, sửa chữa” đã được Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh nhiều lần khi trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua. 

Bà NGUYỄN THỊ VIỆT NGA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: “Nhiều năm qua thực trạng ô nhiễm môi trường nước hệ thống sông Bắc Hưng Hải đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng. Là 1 tỉnh cuối nguồn của hệ thống tỉnh Hải Dương đang phải hứng chịu nhiều hậu quả nặng nề từ các hoạt động xả thải của đầu nguồn. Vì vậy Bộ cần có giải pháp đột phá gì để giải quyết dứt điểm tình trạng này, nhất là khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có hiệu lực từ đầu năm nay?”

Ông TRẦN HỒNG HÀ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Đúng là hiện nay nếu luật 2020 đã có hiệu lực mà không xử lý được thì trách nhiệm rất rõ.Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm đối với các doanh nghiệp đầu tư có quy mô công suất lớn, còn các địa phương sẽ cấp phép xả thải vào đây và trong luật cũng đã khẳng định. Sắp tới chúng tôi sẽ thanh tra, kiểm tra. Trong trường hợp đưa ra một lộ trình sau 3-4 tháng quay lại kiểm tra liên tục, nếu không chấp hành sẽ đóng cửa.”

Ông PHẠM HÙNG THẮNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam: “Tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy trên địa bàn tỉnh Hà Nam và các tỉnh hạ lưu là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến môi trường sản xuất, sức khỏe, đời sống của nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nước xả thải từ địa bàn thành phố Hà Nội chảy về. Tỉnh Hà Nam và các đại biểu Quốc hội khóa trước đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan và thành phố Hà Nội thực hiện các biện pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm. Song, kết quả vẫn còn rất hạn chế. Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng ô nhiễm nước sông Nhuệ, sông Đáy?”

Ông TRẦN HỒNG HÀ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Đến nay theo luật 2020 thì Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương không được phép cấp một nhà máy mới nào có nước thải mà nước thải đó không đạt như nước thải sinh hoạt ra các sông. Hiện nay tất cả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp xả thải lớn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng làm như đối với sông Cầu và Bắc Hưng Hải. Có nghĩa luật 2020 quy định rất rõ rồi, nên chúng tôi sẽ đưa ra lộ trình để khắc phục, sửa chữa, không sửa chữa thì phải đóng cửa. Ttôi cũng báo cáo để Quốc hội chấp nhận chủ trương này, mặc dù trong bối cảnh tình hình này cũng rất khó cho doanh nghiệp, nhưng để tình trạng này kéo dài không được. Đặc biệt sắp tới không được đầu tư đối với các nhà máy xả nước thải không đạt tiêu chuẩn cao. Đấy là những giải pháp chúng ta sẽ làm."

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về xử lý pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm; Nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, thanh tra, bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường… sẽ là những nhiệm vụ, giải pháp được bộ quan tâm thời gian tới nhằm thực hiện tốt các chính sách mới trong Luật Bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường. 

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cũng khẳng định nhiều dự án lớn của Công ty Formosa Hà Tĩnh, Alumin Nhân Cơ, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty Cổ phần thép Hòa Phát - Dung Quất, một số nhà máy nhiệt điện... đã được kiểm soát chặt chẽ về bảo vệ môi trường, tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung tiếp tục tăng. Đối với các nhà máy hoạt động ngoài các khu công nghiệp, về cơ bản đã được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường... Vậy phần trả lời của Bộ trưởng đã thực sự thuyết phục được các đại biểu cũng như các chuyên gia về môi trường hay chưa? Sau đây chúng tôi xin được kết nối điện thoại với PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng. 

PGS.TS BÙI THỊ AN, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng: "Trước hết tôi phải khẳng định rằng giai đoạn gần đây Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có rà soát và quản lý tốt hơn các khu công nghiệp trong quá trình họ xả thải. Sau vụ việc Formusa đã có những tiến bộ rõ ràng. Những khu công nghiệp lớn, những khu xả thải nhiều ra môi trường đã được tập trung, có quản lý. Hay như trong vòng 12 tháng đã đưa mỏ vàng Bồng Miêu vào quản lý khai thác an toàn thể hiện sự kiên quyết của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giai đoạn này. Tuy nhiên vấn đề xả thải, nước thải ở các khu công nghiệp, các làng nghề…tồn tại nhiều năm cần xây dựng lộ trình cụ thể và giao nhiệm vụ cụ thể cho cơ quan, địa phương.

Liên quan đến môi trường có các vấn đề lớn như xử lý rác, rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại. Chúng ta đã có định hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn, rác sẽ trở thành tài nguyên. Cho nên vấn đề đặt ra là xử lý được rác thải. Từng bước, Bộ Tài nguyên và Môi trường chọn vấn đề nổi cộm và có kế hoạch thực hiện. Có rất nhiều yếu tố tạo nên ô nhiễm môi trường, Luật Bảo vệ môi trường cũng đã có nên cần có kiến nghị cụ thể, chi tiết, phối hợp với các địa phương thực hiện đến cùng theo mục tiêu đề ra."

Thách thức về môi trường không thể chờ luật

Vấn đề môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Mục tiêu của Đảng, Nhà nước, Quốc hội là lấy chất lượng cuộc sống của người dân làm mục tiêu phấn đấu của tất cả các ngành, mà trong đó chất lượng của môi trường vô cùng quan trọng với tuyên ngôn “chúng ta không đánh đổi kinh tế lấy môi trường”. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã được thông qua nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) năm 2020 đã có hiệu lực từ 01/01/2022, nhưng đến thời điểm này, vấn chưa thể triển khai trên thực tế vì vẫn còn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể. Trong khi đó, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số địa phương, khu vực vẫn gia tăng, ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ của người dân. 

Doanh nghiệp Sản xuất và kinh doanh Giấy này đã bị UBND tỉnh Bắc Ninh xử phạt 350 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 9 tháng từ 21/7/2021 do thiếu báo cáo đánh giá tác động môi trường. Để được tiếp tục hoạt động, doanh nghiệp này đã phải đầu tư hệ thống xả thải tiêu chuẩn.

Ông NGUYỄN ĐỨC TUẤN, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Giấy Tiến Mạnh, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh: “Trong năm vừa qua công ty cũng bị xử lý ĐTM, sau khi bị thành phố xử phạt doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải và lò hơi theo quy chuẩn của thành phố để môi trường được sạch sẽ và doanh nghiệp phát triển ổn định.”

Theo yêu cầu của tỉnh Bắc Ninh, hệ thống xả thải tuần hoàn của các doanh nghiệp phải chạy thử nghiệm 3 tháng, sau đó các cơ quan chuyên môn sẽ lấy mẫu nước thải kiểm định để quyết định hoạt động của nhà máy. Tuy nhiên, do chưa được tập huấn, hướng dẫn cụ thể nên việc thanh kiểm tra đành “dậm chân tại chỗ”.

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG LINH, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Bắc Ninh: “Việc chậm triển khai các văn bản thi hành dưới luật gây khó khăn cho các cơ quan quản lý địa phương bởi khi luật ban hành nhưng nghị định thông tư hướng dẫn chậm hơn như hiện nay chúng tôi rất khó khăn trong việc kiểm tra và xử lý những vi phạm hiện thời bởi hiện nay vẫn chưa có nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT trong Luật Bảo vệ Môi trường.”

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc chậm ban hành Nghị định, Thông tư dẫn  đến việc chậm trễ trong tập huấn, hướng dẫn đã gây nhiều bất cập trong công tác thực thi Luật. Theo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) 2020, từ 1/1/2022, các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện đúng các quy định liên quan đến các thủ tục về môi trường nhưng hiện nay bộ thủ tục hành chính theo Luật 2020 vẫn chưa về đến cấp xã, chưa đáp ứng được hoạt động của các địa phương.

Ông NGHIÊM VŨ KHẢI, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: “Bất cập trong vấn đề ban hành không kịp thời nó xảy ra nhiều góc độ không ban hành tiêu chuẩn quy chuẩn thì không có căn cứ để phạt người ta và vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ vấn tiếp tục diễn ra và chúng ta không có chế tài. Một góc độ khác quyền công đân đc làm theo hướng dẫn của bộ nhưng Chính phủ, Bộ không hướng dẫn thì như vậy người ta không triển khai được hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến quyền của người ta.”

Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) 2022 kỳ vọng mở ra một giai đoạn mới trong quản lý, xử lý các vấn đề về môi trường, tuy nhiên, luật dù đã có hiệu lực vẫn phải “chậm” thi hành vì “hạ tầng” chưa sẵn sàng.

Dự kiến cuối tháng 3/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập huấn các quy định, chính sách của Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Trong quá trình triển khai, làm mà vướng đến đâu thì sẽ tiếp tục điều chỉnh, cho đến khi vận hành trơn chu thì mới có thể triển khai Luật một cách đồng bộ, hiệu quả. Quãng thời gian từ khi Bộ Ban hành Bộ thủ tục hành chính về Môi trường, đến khi UBND các tỉnh, thành phố tiếp thu, ký quyết định cho đến khi niêm yết công khai tại bộ phận 1 cửa từ cấp xã còn rất dài, có khi đến hết quý 2/2022 Luật mới đi vào hoạt động thực chất. Việc chậm trễ này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. 

Trong thời gian “chuyển tiếp” chờ hướng dẫn cụ thể về Luật, các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp, người dân sẽ thực hiện luật như thế nào? Chúng ta cùng tham khảo ý kiến của Phó GS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng.

PGS.TS BÙI THỊ AN, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng: "Từ khóa XIII, Quốc hội đã yêu cầu dự án Luật phải kèm theo dự thảo văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành. Do đó việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn là thiếu sót mang đến tâm lý không tốt, nhờn luật, cản trở thi hành luật, hiệu lực, hiệu quả thi hành luật cũng sẽ yếu đi.

Trong trường hợp luật ban hành nhưng chưa ban hành được nghị định thì cần quy rõ trách nhiệm, công khai cơ quan được giao nhiệm vụ nhưng không hoàn thành và có kiến nghị với Quốc hội, đề nghị Chính phủ làm rõ khi nào thì có nghị định."

Môi trường từ lâu đã là lĩnh vực “nóng,” được xã hội quan tâm, điều này cũng gây “sức ép” không nhỏ đối với công tác quản lý Nhà nước. Thời gian qua, lĩnh vực này đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, nguồn ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, làm cho môi trường đất, nước, không khí nhiều nơi bị ô nhiễm, có nơi đến mức nghiêm trọng. Công tác quản lý, xử lý ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt, chất thải rắn cũng như đầu tư xây dựng nhà máy xử lý vẫn còn hạn chế. Nhiều loại chất thải công nghiệp, hóa chất nguy hại, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chất thải y tế nguy hại, chất thải phòng, chống dịch COVID-19 chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu. Kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp nếu không được tiến hành một cách chặt chẽ, khoa học, chính xác sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ sự kiện đầu năm 2016, khi mà thảm hoạ môi trường quy mô lớn xảy ra tại bốn tỉnh miền Trung, hoá chất thải ra từ nhà máy Formosa khiến hàng trăm tấn cá chết, cả một vùng bờ biển dài hơn 200 km bị nhiễm độc, hàng trăm nghìn cư dân mất nguồn sinh kế. Theo chúng tôi, để ngăn chặn những vụ việc tương tự phát sinh thì thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường sẽ là giải pháp hữu hiệu. Thực tế các thách thức về môi trường không thể chờ đợi hướng dẫn và những biện pháp mạnh như đóng cửa doanh nghiệp nếu không khắc phục vi phạm về môi trường là điều cần thiết. 

Tới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nhanh chóng phối hợp các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những nội dung mới của Luật và các văn bản dưới Luật đến các nhà quản lý, người dân và doanh nghiệp. Song song với đó là thực hiện tốt việc giải quyết các thủ tục hành chính về môi trường cho người dân và doanh nghiệp, bảo đảm tính liên tục, đồng bộ; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, đánh giá tác động môi trường trong từng trường hợp cụ thể, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, sớm phê duyệt quy hoạch quản lý môi trường quốc gia, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm. Có như vậy, Luật Bảo vệ môi trường mới thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển mới và giữ gìn môi trường sống an toàn cho mỗi chúng ta./.

Thu Quỳnh