• 5593 lượt xem
  • 06:14 22/04/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Giãn dân phố cổ - Tại sao dân không muốn rời đi?

Chủ trương giãn dân phố cổ được Hà Nội đặt ra từ hơn 20 năm trước, với mốc ban đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án vẫn đang dở dang.

Trong quá trình tái thiết đô thị, Hà Nội từ lâu đã phải đối mặt với bài toán bảo tồn và cải tạo. Đặc biệt là khu phố cổ, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử quý giá. Ngay từ năm 1995, Hà Nội đã có chủ trương giãn dân khu phố cổ để đảm bảo mật độ dân số hợp lý cũng như góp phần gìn giữ những vốn quí của khu phố cổ. Thậm chí, UBND Quận Hoàn Kiếm cũng từng thông qua Đề án giãn dân phố cổ vào năm 1998, tuy nhiên không thu được hiệu quả như mong đợi. 

Tiếp đó, tới năm 2008,  Đề án giãn dân tại khu vực phố cổ Hà Nội lại được tái khởi động lại với mục tiêu di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người đến năm 2020. Thế nhưng, sau hơn 24 năm, Đề án giãn dân khu vực phố cổ vẫn không thể về đích. 

Trong con ngõ nhỏ chật hẹp nơi sinh sống của hàng chục hộ dân và cũng là nơi chứa đựng một di tích có tiếng của phường Hàng Bạc xưa – đình Trương Thị. Thế nhưng, những gì còn lại của di tích này chỉ là một gian thờ tự trơ gạch ngói. Chưa nói đến việc phải di dân để giảm mật độ dân số, thì việc người dân lấn chiếm gần hết di tích như thế này cần phải ưu tiên di dời để trả lại không gian cho di tích. 

Tuy nhiên, việc di dời dân cư nơi trung tâm của Thủ đô chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng cả. Trên thực tế, trong khoảng chục năm trở lại đây, UBND Quận Hoàn Kiếm đã tập trung nguồn lực để di dời dân trong các điểm di tích, ưu tiên công tác bảo tồn, tôn tạo di tịch khu vực phố cổ. Thế nhưng, tính đến thời điểm này, cũng chỉ có khoảng trên dưới 20 công trình được bảo tồn, tôn tạo với số lượng dân buộc phải di dời chỉ vài trăm. Một con số rất nhỏ so với những mục tiêu mà Đề án giãn dân phố cổ năm 2008 đã đề ra.

TS ĐÀO NGỌC NGHIÊM – Nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội: “Đây là công cuộc đã có nghiên cứu chúng ta đã lập các khu tái định cư nhưng do chủ quan, khách quan người dân lại không di dời đi cho nên đến nay, phải nói là hơn 20 năm qua, chúng ta vẫn thấy đây là tồn tại lớn nhất để bảo tồn khu phố cổ.” 

Theo Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội, KĐT Việt Hưng, quận Long Biên, TP Hà Nội được chọn làm địa điểm để xây dựng khu tái định cư. Thế nhưng,cho đến thời điểm này, khu đất được chọn với diện tích 7,2 ha vẫn phần lớn là đất trống, chưa có dấu hiệu xây dựng. Bên cạnh lí do chậm trễ do qui hoạch, do nguồn vốn thì một lí do chủ yếu mà đề án này khó có thể thành công là bởi sự chưa đồng thuận của người dân. Rất khó để có thể di dời dân cư tại một khu vực sầm uất bậc nhất của Hà Nội, bước ra khỏi cửa là có thể kiếm đồng ra đồng vào, để sang một khu vực xa trung tâm, cơ sở mặt bằng chưa hoàn thiện, và nhất là khó kiếm nguồn thu nhập ổn định.

Ông TRẦN CÔNG MIỄN - Phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội: “Chủ trương là rất đúng, cũng nhiều người muốn sang lắm khu tập thể bên Gia Lâm, thế nhưng giờ ở thì được chứ sống thì rất khó."  

Bà VŨ THANH THỦY - Phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội: “Cứ nghe bảo giãn dân phố cổ nhưng mà chẳng biết là đi đâu, ở khu nào, chúng tôi lao động tự do, sang đấy thì ra sao.”

Những con ngõ nhỏ chật hẹp, tối tăm, thiếu điều kiện vệ sinh như thế này là điều không ai muốn. Thế nhưng tại sao người dân phố cổ Hà Nội khó xa rời phố cổ? Bởi họ cần nguồn thu nhập khi mà phần lớn dân phố cổ làm nghề buôn bán. Không buốn bán được, đồng nghĩa không có kinh tế.

ThS. KTS SẦM MINH TUẤN – Viện Phó Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia: “Chúng ta phải nhìn nhận cả một cái quá trình sinh sống, tập tục của người dân khu phố cổ. Phần lớn những cư dân ở phố cổ họ buôn bán bằng nghề, việc bảo họ chuyển khỏi nơi có công ăn việc làm của họ là điều rất khó. Chính vì vậy giải pháp tổng thể ở đây là xây dựng cơ sở hạ tầng rất là quan trọng, xây dựng những môi trường sống mới phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của người dân.”

“Có thực mới vực được đạo” – chân lý này luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Thế nhưng, Đề án giãn dân phố cổ của nhiều năm trước lại chỉ đề ra “đạo” chứ chưa có “thực” . Đây cũng là điểm mấu chốt khiến đề án này không thể về đích.

Bằng thời gian này năm ngoái, câu chuyện về bản quy hoạch phân khu nội đô lịch sử Hà Nội là chủ đề nóng được rất nhiều người quan tâm. Theo đề án mới, dân số tới năm 2030 và tầm nhìn tới 2050 chỉ còn 672.000 người, tức sẽ giảm khoảng 215.000 người so với số dân hiện tại. Và theo tính toán của riêng quận Hoàn Kiếm, dân số khu vực phố cổ phải giảm khoảng 20.000 người cho đến năm 2030. 

Trong bản quy hoạch nêu rất rõ, thành phố Hà Nội đã có phương án ai đi, đi như thế nào, ai được tái định cư, ai ở lại... mục đích của quy hoạch đều hướng đến để người dân hưởng thụ điều kiện tốt nhất. Hơn 20 năm qua, câu chuyện giãn dân phố cổ Hà Nội vẫn luôn là chủ đề nóng khi nhắc tới qui hoạch chung của Thủ đô. Đề án của nhiều năm trước đã không thể về đích đúng hạn, vậy đề án của giai đoạn mới liệu có khả thi. Đây là câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra sau khi Hà Nội công bố Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử vào tháng 3/2021.

Theo bản quy hoạch phân khu nội đô lịch sử được công bố hồi tháng 3/2021, sẽ có khoảng 215.000 dân cư sẽ được di dời ra khỏi nội đô lịch sử đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Và cũng theo tính toán của Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm thì khu vực phố cổ Hà Nội sẽ phải di dời khoảng 20.000 dân trong giai đoạn từ nay tới năm 2030. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng khi mà đề án trước chưa thể thực hiện được.

TS ĐÀO NGỌC NGHIÊM – Nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội:' “Từ năm từ năm 1995 đến nay, chúng ta giảm được khoảng 20.000 dân. Theo quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, khu phố cổ Hà Nội cũng sẽ phải giảm số dân tương tự là 20.000 dân đến năm 2030, thời gian ngắn hơn rất nhiều. Tôi nghĩ đây là áp lực lớn chứ không phải là điều dễ dàng thực hiện”.

Tuy nhiên, việc chính thức thông qua quy hoạch các phân khu của khu vực nội đô được các các chuyên gia đánh giá là bước tiến mang tính đột phá trong việc giải quyết bài toán quá tải hạ tầng, nhiễu loạn trật tự xây dựng của khu vực trung tâm Hà Nội nhiều năm qua. Một bản quy hoạch đầy đủ, chi tiết từ cơ sở hạ tầng, kết cấu xây dựng, bảo tồn di tích, di sản, qui mô dân số sẽ là cơ sở vững chắc để 4 quận nội thành điều chỉnh, trong đó có khu vực quan trọng là phố cổ Hà Nội.  

Ông PHẠM TUẤN LONG  – Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm: “Theo quy hoạch phân khu mới của quận Hoàn Kiếm tháng 3 năm vừa qua, số lượng dân cư của quận có giảm so với giai đoạn hiện nay. Thực tế những năm qua, số dân của quận Hoàn Kiếm đã giảm so với thời gian trước. Đặc biệt, chúng tôi cũng đã di chuyển được hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu trong các di tích, việc đó cũng đã giảm được mật đô dân cư rồi. Tôi nghĩ, là đây là một trong những nhiệm vụ mà nếu chúng ta tập trung thì vẫn có thể khả thi.”

ThS. KTS SẦM MINH TUẤN – Viện Phó Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia: “Từ năm 2000 đến nay, chúng ta thấy là dân cư trẻ họ cũng không quá phụ thuộc vào phố cổ nữa nên việc di dời có thể sẽ dễ dàng hơn. Ngoài ra, hiện nay hai bên bờ sông Hồng đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khá là tốt, nhiều khu dân cư được trang bị hiện đại nên tôi nghĩ việc giãn dân sẽ dễ dàng thực hiện được hơn.”

Đã hơn một năm trôi qua kể từ ngày Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử Hà Nội được công bố. Mặc dù vẫn chưa có thông tin chính xác là Hà Nội đã khởi động được những phần việc nào của đồ án quy hoạch này, nhưng điều mà đại đa số dân cư trong khu vực cần giãn dân đều mong muốn là quy hoạch sẽ sớm đi vào thực tế, tránh trường hợp quy hoạch tầm nhìn 10 năm nhưng phải 10 – 15 năm sau mới đi vào thực hiện.

Các chuyên gia về quy hoạch đều cùng chung nhận định, cần phải thay đổi tư duy trong vấn đề giãn dân phố cổ bởi đây là khu vực có tính đặc thù cao và cần có các chính sách, phương án riêng biệt, đột phá. Về chính sách đền bù hỗ trợ, phải sòng phẳng nhìn nhận, giá đất tại khu phố cổ không thể được cào bằng như các khu vực khác. Cần một một cơ chế để người dân cảm thấy có thể chấp nhận được và đồng tình với phương án di dời. 

Nhiều năm qua, không ít lần những đề án giãn dân, cải tạo khu phố cổ được đưa ra nhằm bảo tồn và phát huy giá trị khu vực phố cổ, đồng thời chỉnh trang lại bộ mặt “vùng lõi” Thủ đô sao cho xứng tầm với dáng vóc của một đô thị văn minh. Việc đẩy nhanh thực hiện đề án giãn dân phố cổ là cần thiết, bởi đã đến lúc, người dân phố cổ cần có động lực lựa chọn cuộc sống mới với chất lượng tốt, thay vì phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn từ sự xuống cấp của các công trình nhà ở. 

Với việc ban hành quy hoạch phân khu đô thị ở 4 quận nội đô gần đây, Hà Nội một lần nữa đi tìm lời giải cho bài toán giãn dân phố cổ, một bài toán đã kéo dài nhiều năm mà chưa tìm ra cái kết thỏa đáng. Với những thách thức đã tồn tại dai dẳng hàng thập niên qua, ở lần trở lại này, bài toán “giãn dân phố cổ” chỉ có thể tìm ra lời giải khi các bên hiểu rõ căn nguyên và giải quyết nó một cách triệt để.