• 1098 lượt xem
  • 06:31 19/08/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Hết hạn nộp hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà, cả nước có 4 tỉnh hoàn thành

Thời hạn 15/8/2022 “chốt sổ hồ sơ” đã qua, chỉ có 4 tỉnh là Sơn La, Đắk Nông, Ninh Thuận và Bạc Liêu hoàn thành chi trả 100% số lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Cả nước có hơn 23.900 doanh nghiệp với khoảng 1 triệu 470 nghìn lao động, đã giải ngân 1.022 tỉ đồng. 2 mốc thời gian là ngày 15/8 hoàn thiện nhận hồ sơ và ngày 30/8 hoàn thành giải ngân đều nguy cơ cao không đạt được.

Với nhiều công nhân, hơn 2 năm qua chịu tác động thê thảm từ dịch bệnh, công việc thì phập phù, thu nhập sụt giảm mạnh, khiến nhiều người chỉ ngang bằng với lương, giúp việc gia đình.Thế nhưng, tiền thuê nhà, tiền con cái ăn học và đủ thứ phải chi tiêu khác hàng ngày thì không nợ được.

Vậy nhưng, Quyết định 08 hồi tháng 3 năm nay của Thủ tướng Chính phủ với gói 6.600 tỷ đồng,hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho công nhân (mỗi tháng 1 triệu đồng), lại chậm thực hiện từ khâu xác định đối tượng, lập hồ sơ cho đến giải ngân, nên ít nhiều đã làm giảm tính nhân văn của một chính sách nhân đạo và kịp thời. 

CÓ TIỀN MÀ CÔNG NHÂN CHẬM NHẬN HỖ TRỢ THUÊ NHÀ

Tính đến ngày 12/8, TPHCM đã tiếp nhận hơn 870.000 hồ sơ với số tiền khoảng 477 tỉ đồng (chiếm 26,88% tổng dự toán kinh phí), nhưng mới giải ngân cho trên 272.000 lao động với số tiền trên 144 tỉ đồng (đạt 8,13% tổng dự toán kinh phí). Việc phê duyệt hồ sơ của quận huyện còn chậm do thận trọng khi triển khai, trùng lắp thông tin, hồ sơ còn thiếu sót.

Liên tục làm việc ngoài giờ, thậm chí làm cả ngày nghỉ cuối tuần trong suốt nửa tháng qua, huy động tổng lực nhân sự của phòng, bổ sung người hỗ trợ nhập liệu, là cách mà tổ thẩm định của Phòng Lao động quận 7, TP.HCM đẩy nhanh tiến độxét duyệt hồ sơ lên mức 50 doanh nghiệp/ngày.

Bà HOÀNG THỊ HUỆ, Chuyên viên Phòng Lao động quận 7, TP. Hồ Chí Minh: “Nhân sự thì ít mà trong khi đó hồ sơ thì gửi về dồn trong cuối tháng 7 đầu tháng 8 này, có những doanh nghiệp họ không gửi từng tháng mà họ dồn ba tháng một lần cho nên khối lượng công việc càng về sau càng nhiều. Mà không phải doanh nghiệp nào làm cũng đúng.” 

Đây không chỉ là câu chuyện riêng của quận 7. 

Hầu hết người sử dụng lao động lập và gửi hồ sơ đề nghị muộn, do muốn gộp 3 tháng vào làm thủ tục một lần, nên đến tháng 7/2022 mới làm các thủ tục đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Họ cũng sợ bị thanh tra, kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên không thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

Ông NGUYỄN VĂN LÂM, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh: “Hiện nay số hồ sơ còn nằm ở doanh nghiệp chưa nộp lên chiếm khoảng gần năm mươi phần trăm để đến ngày 14, 15 mới lên nộp đi không sai ngày nhưng áp lực chi trả xem xét hồ sơ ở các địa phương rất là nặng.” 

Thành phố cũng sẽ xem xét đề xuất của các địa phương về chế tài xử lý doanh nghiệp vi phạm, làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động. Tuy vậy, từ báo cáo của đoàn công tác thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa qua cho thấy, TPHCM cần xem lại cách làm, vì hình như thành đang đẻ thêm nhiều thủ tục khác nhau, như giấy phép kinh doanh, tạm trú tạm vắng, không thể thẩm định hồ sơ và giải ngân nhanh được.

Đành rằng, TPHCM bị quá tải khâu tiếp nhận và thẩm định hồ sơ do chủ doanh nghiệp làm dồn việc, vì có xấp xỉ 1 triệu người thụ hưởng hỗ trợ thuê nhà với số tiền trên 1.700 tỉ đồng, tức là chiếm 1/3 số lượng lao động và số tiền giải ngân của gói 6.600 tỉ đồng. Nhưng đó chỉ là một lý do. Chắc chắn là còn tâm lý thờ ơ, sợ sai nên đẻ thêm thủ tục không cần thiết.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, sau hơn 4 tháng thực hiện Quyết định 08, đến ngày 16.8.2022, còn 3 địa phương chưa giải ngân, là: Hà Giang, Bắc Kạn và Phú Yên. Tỉnh Sơn La, sau khi ông Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cam kết đến 17h30 ngày 12/8 là ông sẽ từ chức, nếu địa phương không giải ngân đầy đủ cho tổng số, 13 công nhân được hỗ trợ tiền thuê nhà, cuối cùng đã hoàn thành được nhiệm vụ cao cả này!

Nhiều tỉnh có tỷ lệ giải ngân chỉ khoảng 1%, mặc dù có số lượng lao động dự kiến nhận hỗ trợ rất lớn, là đánh giá tại hội nghị trực tuyến của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với 63 tỉnh-thành phố mới đây.

30/8 KẾT THÚC GIẢI NGÂN HỖ TRỢ TIỀN THUÊ NHÀ 

Người lao động chỉ cần đơn có xác nhận của chủ trọ gửi cho doanh nghiệp lập danh sách, doanh nghiệp lập danh sách gửi Bảo hiểm xã hội xác nhận và sau đó UBND cấp huyện thẩm định và phê duyệt chuyển tiền cho người lao động. Thủ tục quy định rất rõ ràng, đơn giản như vậy, nhưng thực tế thời gian qua việc triển khai ở nhiều địa phương lại rất chậm, đến mức Thủ tướng sốt ruột, nhiều lần ra công điện đốc thúc. Theo Bộ LĐ,TB và XH, khi xây dựng gói 6.600 tỉ đồng, Bộ đã nghiên cứu thủ tục đơn giản nhất có thể. Trung ương cũng đã nhanh chóng hỗ trợ ngân sách cho các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, chỉ những nơi chính quyền địa phương chủ động đôn đốc thì việc lập danh sách, phê duyệt và chi trả tiền hỗ trợ thuê nhà cho công nhân mới diễn ra nhanh.

Ông VŨ TRỌNG BÌNH, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: “Chính sách này là rất thông thoáng, người lao động có nhu cầu nhưng vấn đề người đứng đầu địa phương nào quan tâm quyết liệt thì địa phương đó giải ngân tốt. vừa rồi khi thủ tướng yêu cầu bộ công bố công khai danh sách địa phương nào giải ngân chậm và giải ngân tốt, lập tức cơ quan truyền thông vào cuộc đã tạo áp lực xã hội bắt buộc các địa phương phải thực hiện.” 

Trong tháng 8 phải hoàn thành giải ngân, nhưng đến giữa tháng, tiến độ giải ngân vẫn nơi nhanh, nơi chậm, thậm chí có nơi chưa chi tiền, nên bị “dậm chân tại chỗ”. Ngày 12/8 vừa qua, tại cuộc giao ban các địa phương. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã nghiêm khắc phê bình 10 địa phương chậm nhất, đặc biệt 4 địa phương chưa thực hiện giải ngân đồng nào của gói hỗ trợ. Mặc dù có lệ lao động ít, nhưng lãnh đạo sở Lao động Thương binh và Xã hội cũng không quan tâm đôn đốc giải ngân.

Ông ĐÀO NGỌC DUNG, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: “Số lượng duyệt rồi hình như các đồng chí coi nhẹ hay sao, tôi nghĩ nếu tôi là Bí thư, tôi là Giám đốc Sở thì tôi phải là người đầu tiên hoàn thành, Một số nơi còn thời ơ với chính sách này, một số nơi thì phát sinh những thủ tục không đúng quy định như:yêu cầu phải xuất trình giấy đăng ký kinh doanh, tạm trú, tạm vắng, cá biệt có nơi  thông qua Hội đồng nhân dân, những thủ tục này về mặt pháp lý không đúng, chúng ta làm công khai Minh bạch, chúng ta làm vì dân không sợ gì cả, chỉ sợ tiền vào chỗ khác chạy nhầm chỗ tiêu cực thôi, chứ không ai động đến chúng ta nếu làm nghiên túc, cứ mạnh dạn mà làm.” 

Ngoài yêu cầu các địa phương phải chú ý mốc thời gian ngày 15/8 là hoàn thiện nhận hồ sơ, Lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng nhấn mạnh mốc 30/8 là phải hoàn thành giải ngân.Tỉnh nào đã hứa giải ngân xong trước ngày 20/8 thì phải thực hiện đúng. Đồng thời, Bộ sẽ thành lập đoàn kiểm tra đôn đốc trong tháng 8.

Ông ĐÀO NGỌC DUNG, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: “Hứa là phải thực hiện cho đúng chứ không phải hứa hươu hứa vượn, tinh thần như vậy, và đề nghị tất cả các địa phương phải phân công 1 đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo việc này, trước mắt là cho kiểm tra việc thực thi việc hỗ trợ về tiến độ, hồ sơ phê duyệt , quy trình phê duyệt, trên cơ sơ đó bộ sẽ giao cho Cục việc làm và Thứ trưởng lê Văn Thanh sẽ tham mưu tiếp tục tổ chức một số đoàn đi kiểm tra 1 số địa phương, trong đó có địa phương làm tốt cũng kiểm tra để khuyến khích nêu gương, những  địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp thì kiểm tra đánh giá, để đôn đốc.”

Ngay sau cuộc họp, tiến độ giải ngân tại một số địa phương đã có chuyển biến, nhưng tỷ lệ vẫn rất thấp. Tính đến ngày 15/8 – hạn cuối tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, chỉ có 4 tỉnh-thành phố đã chi trả đạt 100%, nhưng đều là những địa phương có số đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách rất ít. Cả nước mới có trên 23,9 nghìn doanh nghiệp với hơn 1,47 triệu lao động đã được giải ngân với số kinh phí 1.022,3 tỉ đồng (đạt 15,75% so với dự kiến). Trong khi người lao động vẫn đang rất khát khao nhận hỗ trợ này,sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự phục hồi kinh tế - xã hội, ổn định thị trường lao động. 

Nhìn vào những con số biết nói này cho thấy, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn quá chậm, từ số lượng hồ sơ tiếp nhận cho đến tiến độ phê duyệt hồ sơ và tỷ lệ giải ngân.

Nguyên nhân của sự chậm trễ là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, tinh thần trách nhiệm chưa cao nên chưa quyết liệt triển khai chính sách với người lao động. Còn người sử dụng lao động lại yêu cầu người lao động phải cung cấp các giấy tờ bổ sung, để chứng minh về tình trạng ở thuê, ở trọ như là phải có hợp đồng thuê nhà, giấy đăng ký kinh doanh của chủ nhà trọ, giấy đăng ký tạm trú… dẫn đến kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ.Tất yếu kéo theo thời gian xử lý những công việc tiếp theo.

Chúng tôi đã kết nối điện thoại với ông PHẠM VĂN HÒA, là Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cũng là Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp về những nguyên nhân, hậu quả từ sự chậm trễ này và làm thế nào để đạt tiến độ và đối tượng thụ hưởng.

LỠ CHẬM NHƯNG KHÔNG NÊN CHỐT CỨNG THỜI HẠN

Thưa Đại biểu, ông có thấy thuyết phục với lý do của các địa phương là doanh nghiệp để sát giờ mới nộp hồ sơ khiến quá tải, còn cán bộ lúng túng tiếp nhận do sợ sai và thiếu quyết liệt nên mới chậm giải ngân gói 6.600 tỉ đồng?

Với tiến độ và tỷ lệ giải ngân chưa đạt 16% tính đến 16/8/2022, theo ông để đạt mục tiêu vào đến cuối tháng này, nên đơn giản ở thủ tục nào mà vẫn đảm bảo đúng đối tượng?

Qua thực tế ở địa phương và phân tích của Đại biểu Phạm Văn Hòa, chậm giải ngân gói 6.600 tỉ đồng là từ khâu tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và phê duyệt chưa tối ưu. Vẫn còn quá nhiều bước mà chưa phân cấp, uỷ quyền. Khâu tổ chức thực hiện ở các cấp lúng túng, do năng lực cũng sợ trách nhiệm. Khi xây dựng gói hỗ trợ, đã không đánh giá sát sao.Số tiền báo cáo lớn hơn số thực tế. Nếu chưa phủ hết các đối tượng, thì Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải có ý kiến xử lý ngay và linh hoạt kiểm tra thực tế địa phương.

Ngày 17/8, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp về thực hiện các chính sách an sinh xã hội và việc làm, đã kết luận: Chính sách hỗ trợ người lao động thuê nhà được Quốc hội ban hành theo Nghị quyết 43 năm 2022. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08, 3 thông báo, 1 công điện, các bộ cũng có nhiều công văn chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn thấp, hiện mới đạt 1.022/6.606 tỉ đồng và thời hạn đăng ký hưởng hỗ trợ đã hết. Nếu giải ngân hết số đăng ký, cũng chỉ đạt hơn 40% so với dự kiến ban đầu.Còn người lao động gặp khó khăn, đang mong chờ thì lại không nhận được sự hỗ trợ.   

Theo chúng tôi, đã lỡ chậm nhưng nên kéo dài thời hạn đến hết năm, thay vì hết tháng 8, để tất cả người lao động thuộc diện hỗ trợ, đều nhận được tiền.

Ngọc Dũng