Góc nhìn hôm nay: Làm gì để giữ chân hàng nghìn nhân viên y tế?

Nhân viên y tế nghỉ việc tại các cơ sở y tế công lập vẫn âm thầm tăng lên. Gần đây nhất, dư luận sửng sốt khi hàng loạt nhân viên y tế ở TP.HCM, Đắk Lắk liên tục nghỉ việc, hoặc chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân, với mức lương hấp dẫn hơn. Năm 2020- 2021, hơn 200 y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cũng nghỉ việc.

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, trong 11 tháng của năm 2021, có 968 nhân viên y tế nghỉ việc, phần lớn là điều dưỡng và bác sĩ ở trạm y tế phường, xã, thị trấn. Ba tháng đầu năm 2022, tiếp tục có thêm 400 nhân viên y tế xin nghỉ việc.

Với mức lương bình quân là 7,36 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so với mức giá sinh hoạt trung bình ở Hà Nội và TP. HCM, nên dễ hiểu khi có tới 60% chi trả được một phần chi phí sinh hoạt hàng ngày và 20,9% không đáp ứng đủ những khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày. Thu nhập không đủ sống, chuyển công tác hoặc xin nghỉ việc là giải pháp bất đắc dĩ cuối cùng của họ. 

NHÂN VIÊN Y TẾ XIN NGHỈ VIỆC NGÀY CÀNG NHIỀU

12 năm công tác tại trung tâm y tế cơ sở, tháng 3 vừa rồi, chị Út Huệ đã phải xin nghỉ việc. Một trong những nguyên nhân chính khiến chị phải từ bỏ công việc gắn bó mười mấy năm qua cũng bởi mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng, không đảm bảo cuộc sống.

Chị VÕ THỊ ÚT HUỆ, Phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh: “Trước đây, tôi làm ở trạm y tế Hiệp Bình Chánh, thuộc Trung tâm y tế (TTYT) Thủ Đức. Công việc của tôi là bác sĩ. Nếu không có dịch thì khám bệnh, chỉ định tiêm chủng, sơ cấp cứu. Nhưng khi có dịch thì thay đổi nhiều thứ. Đi lại nhiều, vất vả, công việc áp lực, thu nhập thấp. Cộng nhiều thứ lại nản nên quyết định nghỉ.”   

Còn đây là công việc hiện tại của anh Nguyên. Anh từng là cộng tác viên tại Trạm y tế phường Linh Đông. Nhưng từ tháng 3 vừa qua, anh cũng quyết định nghỉ việc vì mức thu nhập chưa tới 4 triệu đồng/tháng, không đủ để anh trang trải cuộc sống.

Anh NGUYỄN AN NGUYÊN, TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh: “Hiện tại em vừa kết thúc công tác bên trung tâm y tế phường Linh Đông. Đi làm bên đó không đủ kinh tế để trang trải cuộc sống của em. Em hỗ trợ thì phải đến tháng 1 mới được trả lương nhưng số tiền không được nhiều nên em xin phép kết thúc công việc ở bên đó để quay lại công việc cũ.”

Bác sĩ NGUYỄN TRẦN BẢO TRÂM, Trạm Y tế phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh: “Công việc thì quá nhiều, không được về nhà, nhưng lương nhận được không thoả đáng, chi trả rất chậm nên một số anh, chị phải bỏ việc.”

Trong 11 tháng năm 2021, gần 1.000 nhân viên y tế tại TP.HCM đã xin nghỉ việc, phần lớn là điều dưỡng và bác sĩ ở trạm y tế phường, xã. Con số này đã không ngừng tăng lên, với 400 nhân viên y tế nghỉ việc chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022. Đây thực sự là con số đáng báo động cho ngành y tế của thành phố, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

CHƯA ĐỦ SỐNG SAO GIỮ CHÂN Y, BÁC SĨ?

Từ cuối tháng 3 đến nay, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức 2 hội nghị lắng nghe và trao đổi trực tiếp với nhân viên y tế đang làm việc tại các bệnh viện. Đợt đầu tiên, Sở Y tế đã lựa chọn đối thoại với điều dưỡng của các bệnh viện, vì đây là lực lượng khó tuyển dụng nhưng dễ nghỉ việc nhất do thu nhập tại hệ thống y tế công lập thấp, nhưng thu nhập tại các cơ sở y tế tư nhân cao hơn nhiều. Việc giữ chân điều dưỡng là mục tiêu đầu tiên Sở Y tế TPHCM hướng đến, đặc biệt là điều dưỡng tại các khoa, phòng nhiều áp lực, như khoa cấp cứu và các khoa bệnh nặng, khoa bệnh thường xuyên quá tải, vì nguy cơ thiếu hụt nhân sự.

Đồng thời, phải hoàn thiện ngay các chế độ chính sách phụ cấp đặc thù cho nhân viên y tế, vì Nghị định 56 hiện hành quy định phụ cấp ưu đãi lực lượng y tế cơ sở, y tế dự phòng, chỉ từ 30 đến 70%, hoàn toàn không tương xứng với công việc, nhất là khi dịch bệnh Covid 19 vẫn đang phức tạp.

Trạm y tế phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức hiện có 7 nhân sự: 2 bác sĩ, 2 y sĩ, 1 điều dưỡng, 1 dược sĩ và 1 hộ lý. Số nhân sự này vừa phải thực hiện nhiệm chăm sóc sức khoẻ cho hơn 100 nghìn dân trên địa bàn, vừa đảm bảo công tác kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19. Công việc nhiều, áp lực, nhưng tiền lương nhận được lại khá eo hẹp.

Bác sĩ NGUYỄN TRẦN BẢO TRÂM, Trạm Y tế phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh: “Trừ thời gian nghỉ ngơi thì gọi là full (toàn) thời gian luôn, từ 18- 20 tiếng, họ có thể làm việc suốt ngày. Nhưng mức lương trả cho từng nhân viên thì không thoả đáng. Điển hình một bác sĩ như em, tháng chỉ nhận được khoảng 5,6 triệu đồng thôi.”

Trong khoảng 6 tháng (từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022), trạm y tế phường Hiệp Bình Chánh đã có 5 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Và một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này chủ yếu xuất phát từ thu nhập chưa tương xứng.

Anh HOÀNG THÁI HÙNG, Trạm Y tế phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh: “Một bác sĩ ở đây lương chỉ có 6-7 triệu đồng nhưng ở ngoài làm thuê, làm mướn cũng được mười mấy, hai mấy triệu đồng. Nó chênh lệch. Công việc ở ngoài làm hành chính, ngày 8 tiếng về nghỉ, không phải lo lắng gì hết.”

Không chỉ tại Trạm y tế Hiệp Bình Chánh, tình trạng y, bác sĩ liên tục xin nghỉ việc là tình trạng chung của rất nhiều trạm y tế, bệnh viện khác tại TP.Hồ Chí Minh thời gian gần đây.

Bà LÊ THIỆN HUỲNH NHƯ, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh: “Qua đợt dịch này, tình trạng kinh tế, thu nhập của các bệnh viện, cơ sở y tế sụt giảm thì việc nhân viên y tế nghỉ việc là không thể tránh khởi. Trong 3 tháng đầu năm 2022, toàn ngành có khoảng 400 nhân viên y tế xin nghỉ việc.

Bác sĩ LÊ THÀNH NAM, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP. HCM: “Về trình độ chuyên môn, mong cho các bác sĩ ở trạm y tế cơ sở được thực hành ở các bệnh viện lớn nhiều hơn để nâng cao trình độ. Phải có kinh phí, chế độ cho anh em ở tuyến y tế cơ sở.”

Tuy trước đó, UBND TPHCM đã có những chính sách hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch, hỗ trợ, thu hút nhân sự bổ sung thêm cho các trung tâm y tế nhưng đây mới chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời, chưa giải quyết được vấn đề căn cơ, cốt lõi.

NÂNG 100% PHỤ CẤP VÀ HUY ĐỘNG XÃ HỘI HÓA

Một số chế độ hỗ trợ nhân viên trạm y tế phường, xã, thị trấn đang áp dụng nhưng không còn phù hợp. Để nhân viên trạm y tế phường, xã, thị trấn an tâm làm việc, Sở Y tế TP.HCM đề xuất mức hỗ trợ đối với bác sĩ là 5 triệu đồng/người /tháng. Đối với nhân viên y tế có trình độ đại học hoặc y sĩ, là 4 triệu đồng/người/ tháng. Đối với nhân viên y tế có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp, là 3 triệu đồng/người/tháng. 

TP. HCM cũng kiến nghị Bộ Y tế cho phép địa phương này được thí điểm tổ chức thực hành lấy chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ mới tốt nghiệp, với 12 tháng thực hành tại trung tâm y tế hoặc trạm y tế và 6 tháng thực hành tại các bệnh viện (thay vì thực hành 18 tháng tại các bệnh viện theo quy định hiện hành). Trong thời gian thực hành, các bác sĩ sẽ được TP.HCM hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng.

Đây cũng là phản ứng nhanh của ngành y tế TP.HCM. Thế nhưng, với những địa phương không có điều kiện như TP.HCM, sẽ là thách thức lớn, đòi hỏi phương án ở tầm vĩ mô, với sự vào cuộc của Bộ Y tế và Chính phủ.  

Tiến sỹ NGUYỄN HỒNG SƠN, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Y tế: “Hiện nay, theo Nghị quyết 38 của Chính phủ, chúng tôi đang xây dựng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề cho y tế cơ sở, y tế dự phòng. Theo Nghị định 56, phụ cấp ưu đãi nghề cho lực lượng y tế cơ sở, y tế dự phòng chỉ từ 30-70%. 

Theo Nghị quyết 38, chúng tôi xây dựng mức phụ cấp cho y tế cơ sở, tức là y tế từ tuyến trung tâm, y tế tuyến huyện trở xuống đến tuyến xã, và viên chức làm việc ở trong trung tâm y tế dự phòng là 100%. Khi Chính phủ đã thông qua các nghị định này thì tất cả những cán bộ viên chức làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng và cán bộ viên chức làm việc tại y tế cơ sở đều được hưởng mức phụ cấp ưu đãi nghề là 100%. Đây cũng là cơ sở để các tỉnh thực hiện. 

Đối với thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi cũng có tham khảo các chế độ thu hút cán bộ, đặc biệt là sau đại dịch mà Thành phố Hồ Chí Minh ban hành - một chế độ rất là ưu đãi cho cho cán bộ nhân viên y tế trước tình hình quá tải áp lực công việc. 

Đối với các tỉnh, ngoài Nghị định sửa đổi như tôi vừa mới trao đổi, sửa đổi Nghị định 56 năm 2011 về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ viên chức ngành y tế, Bộ trưởng đã chỉ đạo và chúng tôi đang thực hiện việc đề nghị với các cấp ủy Đảng, chính quyền của các tỉnh, thành phố huy động các nguồn lực từ địa phương, từ nguồn ngân sách của địa phương, từ hỗ trợ của các cơ quan doanh nghiệp để có thể là hỗ trợ thêm về của cải vật chất và tinh thần cho cán bộ viên chức ngành y tế.”

Được biết, Bộ Y tế đang đề xuất với Chính phủ những biện pháp hoàn thiện cả về thể chế và tổ chức thực hiện. Đầu tiên là về hệ thống y tế và bố trí nhân lực. Các trạm y tế xã đang bố trí theo địa bàn dân cư nên sắp tới, cố gắng xây dựng hệ thống các trạm y tế xã không theo địa giới hành chính, mà theo quy mô dân số, để bố trí nhân viên y tế phù hợp. Những phường xã có dân số hơn 20.000 người, có thể thành lập thêm các trạm y tế khác. Điều này sẽ giảm bớt áp lực cho ngành y tế. Thực hiện chế độ luân phiên cán bộ từ Trung tâm y tế quận-huyện xuống làm việc ở trạm y tế xã cho đến khi nâng cao chuyên môn nhân viên ở đây.

Chính sách đặc thù của thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện từ ngày 31/12 tới nhằm giữ chân cán bộ, nhân viên y tế, là khá tốt. Nhưng lại khó áp dụng với các địa phương khác không có điều kiện. Vậy nên, chỉ còn căn cứ theo Nghị quyết 38 của Chính phủ, để xây dựng lại chế độ phụ cấp ưu đãi nghề cho các lực lượng y tế cơ sở và lực lượng y tế dự phòng. 

Trong khoảng thời gian chờ đợi, thay vì “ngồi tại phòng để cân đo đong đếm”, hãy linh hoạt vận dụng các nguồn lực khác ở xã hội, để nâng mức sống nhân viên y tế, nếu không muốn mất thêm hàng nghìn nhân viên y tế nữa.