Góc nhìn hôm nay: Phát triển công nghiệp văn hóa phải có tầm nhìn xa

Đề cập đến các ngành công nghiệp văn hóa, người ta thường nhấn mạnh đến hai yếu tố: Công nghiệp và sáng tạo. Gọi là công nghiệp bởi đây thực sự là một ngành kinh doanh hùng mạnh, giàu tiềm năng. Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, từ nhiều thế kỷ đã lấy văn hóa làm động lực phát triển, coi hoạt động văn hóa là ngành công nghiệp, giúp dân giàu nước mạnh một cách hiệu quả.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tầm nhìn 2030 rất rộng, tuy nhiên từ góc độ thể chế, chính sách và nguồn lực thì còn có nhiều vấn đề, nhiều giải pháp then chốt cần sớm triển khai.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.. 6 năm trôi qua nhưng việc phát triển công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn, nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ.

Nhìn từ góc độ thể chế, chính sách và nguồn lực hiện nay dành cho công nghiệp văn hóa, còn những điểm nghẽn gì? Đây là câu hỏi rất sát thực tế khi mà Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá tầm nhìn đến năm 2030 đang được gấp rút triển khai, nhưng mà nhiều chính sách, thể chế hiện đã cũ, lạc hậu, không phù hợp với thực tế... 

Ở nước ta, văn hóa từng được coi là một mặt trận, văn hóa giờ đây trở thành một mũi nhọn trong phát triển bền vững. Thế nhưng, dù quan niệm theo cách nào, muốn biến văn hóa trở thành tài sản quốc gia, trở thành vốn biểu tượng, vốn phát triển xã hội thì chỉ có bằng con đường thể chế hóa, nhận diện đúng các giá trị của văn hóa, tạo cơ chế thúc đẩy nó.

Chương trình sẽ kết nối điện thoại với ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội để làm rõ hơn về vấn đề này.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi!

Phan Hằng