• 1063 lượt xem
  • 15:51 13/05/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Quy hoạch da báo - Nguyên nhân từ đâu?

Thuật ngữ “Quy hoạch da báo” mà một số chuyên gia hay dùng là để ám chỉ sự lổn nhổn, đan xen nhau giữa cái đẹp và cái xấu, phá vỡ cảnh quan chung. Hà Nội đang gánh chịu những hệ lụy của tình trạng phá vỡ quy hoạch hoặc quy hoạch kiểu xôi đỗ ở khu vực nội đô.

Hàng nghìn căn hộ với hàng chục nghìn cư dân đang sống yên ổn trong các khu đô thị, bỗng nhiên lại thấy “mọc lên” những công trình phá vỡ quy hoạch ban đầu, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cư dân khi phải chịu áp lực quá tải lên hạ tầng. 

Nếu như trước đây, nhiều chủ đầu tư làm liều, bất chấp quy định, xây thêm tầng bất hợp pháp như Tòa nhà 8B Lê Trực ở Hà Nội, hay một số tòa nhà chung cư khác, thì nay họ tinh vi hơn, núp dưới mũ xin “điều chỉnh quy hoạch” để chồng thêm tầng, nới thêm căn hộ nhằm tối đa hóa lợi nhuận. 

Câu chuyện quy hoạch nhà thấp tầng-cao tầng, nhà siêu mỏng, siêu méo, nhấp nhô đan xen nhau loang lổ kiểu “da báo” này không mới, nhưng vẫn kéo dài và dai dẳng thời gian qua, gây bức xúc cho nhiều cư dân và làm méo mó quy hoạch đô thị.

“BỨC TRANH” ĐÔ THỊ BỊ PHÁ VỠ, BĂM NÁT

Công trình số 3 ngõ 28 đường Tăng Thiết Giáp, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội với chiều cao 6 tầng, có lửng, có tum, vượt 1 đến 2 tầng so với quy định. Mặc dù người dân đã phản ánh từ năm 2020, tuy nhiên theo ghi nhận, đến nay công trình này gần như vẫn giữ nguyên trạng.

Anh NGUYỄN THẾ ĐÔNG - Đội Quản lý Trật tự xây dựng đô thị phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội: "Mình về đây từ tháng 3/2021, những cái này (sai phạm - PV) mấy năm rồi, đã khắc phục. Mình cũng không bao giờ vào đấy (để kiểm tra - PV) vì như thế người dân nghĩ mình kiểm tra gây mất ổn định cụm dân cư."

Vậy nên, sai phạm nối tiếp sai phạm là đương nhiên. Còn dọc phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, nhiều nhà cao tầng vượt quá quy định từ 2 - 4 tầng nhưng vẫn tồn tại. Trong khi đó, theo quy hoạch quản lý kiến trúc phố cổ, chỉ được phép xây dựng từ 1 - 3 tầng (tương đương với 6 - 12m đối với lớp nhà mặt phố) và 2 - 4 tầng (tương đương 10 - 12m đối với nhà dãy phía sau), mật độ xây dựng từ 60 - 70%. 

Là người dân sống lâu năm tại tuyến phố này, bà Nguyễn Thị Nga (người dân phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) không khỏi xót xa cho bức tranh phố cũ đang dần bị tô vẽ nghệch ngoạc.

Bà NGUYỄN THỊ NGA - phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: "Khách sạn đầu phố xây 7 tầng, đây cũng 5 - 6 tầng làm mất cả mỹ quan, trông lọc cọc không đều nhau lắm."

Anh PHẠM VĂN HÙNG - phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: “Bằng cảm quan, tôi đã thấy nó không đẹp. Xây dựng phải đồng bộ, khu 5 tầng, khu 3 tầng thì sẽ đẹp”.

Nhìn ra quảng trường vườn hoa 19 tháng 8, cạnh Nhà hát Lớn, ngã tư phố Hai Bà Trưng - Phan Chu Trinh là công trình 7 tầng, trong khi khu vực này chỉ được xây 4 tầng (giật cấp lớp sau là 5 tầng). Quy định cụ thể, chặt chẽ về kiến trúc đã có trong Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, nhưng vẫn tràn lan xảy ra sai phạm. Đây là trách nhiệm của chủ công trình và chính quyền các cấp trong quản lý.

Chính sự buông lỏng quán lý của các cấp chính quyền địa phương, sự thờ ơ của quản lý chuyên ngành là nguyên nhân dẫn đến bức tranh đô thị trở nên “lổn nhổn”, nhếch nhác như hiện nay. 

Phải thừa nhận, do quản lý chưa tốt, nên vi phạm về trật tự xây dựng vẫn còn nhiều và diễn biến phức tạp. Nhiều nơi xây vượt tầng, vượt mật độ cho phép, dẫn đến quy hoạch đô thị bị phá vỡ. 

Chưa kể vẫn tồn tại hàng trăm căn nhà kỳ dị, siêu mỏng, siêu méo tại các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Tây Hồ của Hà Nội, khi thực hiện dự án đường Vành đai 2 (đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi). Hay tuyến phố Trần Phú - Kim Mã, dài chừng 600m, cũng xuất hiện 3 công trình siêu mỏng, mà dư luận đã dậy sóng thời gian dài. Đường Nguyễn Văn Huyên cũng xuất hiện những ngôi nhà tạm diện tích 1,7- 3 m²… nhìn đã thấy nhức mắt, nhưng vẫn tồn tại mà chưa tìm được hướng giải quyết.

Theo các chuyên gia về quy hoạch đô thị, để giải quyết tận gốc vấn đề này, phải thay đổi cách tổ chức phát triển đô thị, phải có một dự án tái phát triển cả một khu vực đô thị.

Đó là sau khi con đường được hình thành, cơ quan Nhà nước sẽ phân lô, đấu giá hoặc đấu thầu việc sử dụng đất hai bên đường. Khi đó, sẽ không còn chuyện chủ sở hữu nhà đằng trước và đằng sau, không thỏa thuận được giá cả để hợp thửa, hợp khối. Có như vậy mới hết nhà siêu mỏng, siêu méo. Còn giải pháp căn bản không chỉ là nguồn vốn, mà phải tính đến vấn đề này ngay từ khâu quy hoạch ban đầu. 

Cùng trò chuyện với KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam để hiểu hơn về vấn đề này!

QUY HOẠCH LUÔN PHẢI CHẠY THEO THỰC TẾ

Nhà báo NGỌC DŨNG: Theo ông, vì sao quy hoạch các đô thị lớn dù có nhiều cố gắng, nhưng vẫn loang lổ kiểu da báo?

KTS.TRẦN NGỌC CHÍNH - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam: “Do mở đường mà không tính đến chuyện quy hoạch ra mặt đường, chỉ làm đường đỏ (đường giới hạn đỏ - PV) đến đâu thôi, dân mất đất đi thì chỉ còn lại 2 - 3m méo-tròn-vuông và cứ thế xây. Mà xây thế thì thành siêu mỏng, siêu méo thôi. Các thành phố đang phải xem lại chuyện đó. Lúc làm dự án mở đường thì hai bên đường phải quy hoạch thêm 50m nữa thì mới xử lý được tất cả các trường hợp đó. Cũng phải xây dựng những công trình tái định cư có dịch vụ đầy đủ để đưa dân vào đấy. Vừa làm đẹp mỹ quan, lại khai thác tốt nhất giá trị sử dụng đất. Cái này đã bàn rồi, Quốc hội cũng đề cập rồi”.

Nhà báo NGỌC DŨNG: Vậy quy hoạch của ta luôn phải chạy theo thực tế, hay do không có nguồn lực để quy hoạch, thưa ông?

KTS.TRẦN NGỌC CHÍNH - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam: “Những vấn đề anh nói đều có hết. Thứ nhất là quy hoạch phải đi trước một bước. Nhưng như vậy sẽ không nhìn thấy thực tiễn có vấn đề này, vấn đề kia. Thực tiễn vẫn xảy ra (quy hoạch da báo - PV) nhưng vì tài chính trong quá trình quy hoạch có mức độ. Thứ 2 là không đủ sức để giải phóng mặt bằng để làm rộng lớn hơn, ví dụ như thế. Quy hoạch như đã biết, có quy hoạch chạy theo, quy hoạch có rồi nhưng lại không làm được, do vốn, do quản lý, do nhiều vấn đề khác nữa thì sẽ phải tách bạch ra từng vấn đề một. Còn ý kiến anh đặt ra cũng đúng, trong thực tiễn có vấn đề đó. Nhưng quy hoạch luôn luôn phải nhìn rộng hơn, đi trước một bước. Trong thực tiễn, nhiều cái không thể theo quy hoạch được. Nó do tổ chức thực hiện, tài chính để thực hiện”.

Nhà báo NGỌC DŨNG: Vâng, xin được cảm ơn ông Trần Ngọc Chính!  

Nhiều đô thị tại Việt Nam đang quy hoạch ngược so với thế giới, đó là đưa tất cả những gì tốt đẹp nhất vào khu vực trung tâm thành phố, khiến bài toán quá tải hạ tầng, điện nước, y tế, giáo dục, ách tắc giao thông... ngày càng trầm trọng. Sau mở rộng địa giới năm 2008, Hà Nội chủ trương xây dựng năm đô thị vệ tinh là: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn, để giãn mật độ dân cư. Thế nhưng, sau cả thập kỷ, hầu hết vẫn chỉ tồn tại trên bản vẽ.  

Do vậy, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để giải quyết các vấn đề của đô thị, ưu tiên ứng dụng có tính đột phá, sáng tạo cho đô thị thông minh... phải được quy hoạch sớm. 

Một công ty chuyên nghiên cứu, dự báo và tư vấn cho thị trường công nghệ số, có trụ sở tại Anh, đã công bố bảng xếp hạng các thành phố thông minh hàng đầu thế giới năm 2022. Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc đã giành vị trí số 1, vượt qua các đô thị thông minh khác như Seoul (của Hàn Quốc), Barcelona (Tây Ban Nha) hay New York (Mỹ). Theo công ty này đánh giá, Thượng Hải đứng đầu một loạt khía cạnh, bao gồm giao thông và cơ sở hạ tầng, năng lượng và ánh sáng, hệ thống quản lý thành phố, kết nối đô thị và công nghệ. Đây có thể coi là mô hình để chúng ta tham khảo, học hỏi.

HÌNH MẪU PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÔNG MINH THƯỢNG HẢI 

Theo Juniper Research, Thượng Hải là đô thị độc nhất tại Châu Á xét trên các dịch vụ số hóa mà thành phố này cung cấp cho người dân. Chiến lược phát triển đô thị thông minh tại Thượng Hải được xây dựng trên 3 trụ cột:

Thứ nhất, Shanghai Clone (bản sao kĩ thuật số của Thượng Hải) giúp đô thị này quản lý dữ liệu được số hóa theo thời gian thực. 

Thứ hai, dự án cơ sở hạ tầng số đô thị thông minh hướng đến người dân đã giúp khu vực trung tâm thành phố hoàn toàn được phủ sóng 5G, trong khi toàn bộ thành phố có độ phủ cáp quang lên tới 99%.

Thứ ba, ứng dụng Citizen Cloud của Thượng Hải được đánh giá là nền tảng dữ liệu công dân hàng đầu thế giới, dựa trên công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn (Big Data).

Thông qua chỉ 1 ứng dụng này, công dân Thượng Hải có thể tiếp cận 1.274 dịch vụ công trực tuyến như: khai sinh và đăng ký kết hôn, các dịch vụ về văn hóa, giáo dục, du lịch, an sinh xã hội, giao thông vận tải, điều trị y tế, dịch vụ pháp lý và chăm sóc người cao tuổi. Công dân cũng có thể dễ dàng tra cứu tình trạng giao thông theo thời gian thực, thông tin dự báo thời tiết. Đây cũng là cách thức dễ dàng nhất để người dân Thượng Hải kết nối trực tiếp với các cơ quan chức năng. Hiện có 14,5 triệu người sử dụng ứng dụng Citizen Cloud.  Mỗi ngày, có khoảng 75.000 dịch vụ công được xử lý thông qua nền tảng này. Thông tin của cư dân được chia sẻ bởi 39 cơ quan chính phủ kết nối với nền tảng. 

Nguồn lực sẵn có về kinh tế, con người, cùng với các chính sách hỗ trợ đã giúp Thượng Hải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Năm 2018, Thượng Hải ban bố Kế hoạch hành động 3 năm nhằm thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin, tiếp theo đó là Kế hoạch hành động xúc tiến xây dựng cơ sở hạ tầng mới và Kế hoạch tăng tốc băng thông rộng (năm 2020). 

Năm 2021, Thượng Hải công bố chiến lược phát triển công nghiệp số, chính quyền điện tử và thành phố thông minh, nhấn mạnh đây là nền tảng để thực hiện Kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) đã được chính phủ Trung Quốc đề ra. Theo đó, Thượng Hải sẽ tiếp tục tập trung đầu tư vào công nghệ 5G, trung tâm nghiên cứu dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, các cụm công nghiệp kĩ thuật số. Từ năm 2020, kinh tế số đã đóng góp hơn 50% GDP tại Thượng Hải. Số lượng công ty hoạt động trong lĩnh vực Internet vạn vật chiếm tỉ lệ 69,15%.

Việt Nam nên quy hoạch thành các vành đai xanh xung quanh các đô thị lớn, xây dựng thành những thành phố thu nhỏ, độc lập kinh tế với đô thị lõi, đảm bảo tạo ra đủ việc làm và những nhu cầu cuộc sống cho cư dân sinh sống tại chỗ, để thu hút người dân về đó sinh sống, cũng như đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và thực hiện đô thị thông minh. 

Người dân là luôn mong muốn sống tại những nơi có điều kiện sống tốt nhất và đó là nhu cầu tất yếu. Khi có những vành đai xanh, không gian xanh với chất lượng cuộc sống được đảm bảo, người dân khi đó không còn tư tưởng phải chen chúc nhau vào những vùng lõi chật chội của thành phố nữa. Đây chính là sự giãn dân tự nhiên theo cơ thể của một khu đô thị tốt đẹp. Nhưng để làm được điều này, các cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi tư duy và tầm nhìn chiến lược, mới xây dựng được những chính sách quy hoạch đúng đắn và vì người dân./.