• 1049 lượt xem
  • 08:10 14/12/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Tràn lan quảng cáo “bẩn” trên không gian mạng

Hơn 1.000 tỉ đồng đã được các nhãn hàng tại Việt Nam chi cho các ứng dụng xem video trực tuyến, ứng dụng mạng xã hội, ứng dụng video game trực tuyến…hoạt động trái pháp luật. Đây là ước tính sơ bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nghịch lý khi một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp Việt đang nuôi dưỡng cho những hoạt động trái pháp luật, phản văn hóa ngay tại đất nước mình.

Khi Giải bóng đá vô địch thế giới tại Qatar đang bước vào những vòng đấu gay cấn, có vào những đường link “lậu bóng đá” như: Xôi Vò, Xôi Lạc, Kèo Nhà Cái …mới thấy chi chít quảng cáo từ mời chào cá độ cho đến các nhãn hàng tiêu dùng, thậm chí còn nhiều hơn cả những tờ báo mạng chính thống. Doanh nghiệp Việt và đại lý quảng cáo hoặc còn “ngơ ngác”, hoặc “cố tình ngơ ngác” để quảng cáo nhãn hàng, thương hiệu sản phẩm trên những nền tảng số, những kênh đang vi phạm pháp luật.

Với kênh Nờ Ô Nô đang ồn ào dư luận, đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông công bố là kênh vi phạm. Nhãn hàng nào mà quảng cáo vào kênh này, thì nhãn hàng đó cũng bị coi là vi phạm theo. Ngay tại Facebook, đang xuất hiện tràn lan các nội dung quảng cáo cá độ bóng đá, nhưng dường như mạng xã hội này không hề có biện pháp ngăn chặn.

Tình trạng quảng cáo bẩn trên ứng dụng không phép đã được các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, kỳ họp thứ 4 Quốc hội XV.

Trên không gian số, mọi việc, từ đặt mua quảng cáo, đặt bán quảng cáo hay tạo ra các mẫu quảng cáo... đều có thể thực hiện thông qua các hệ thống phần mềm.

Với các ứng dụng ngoài vòng pháp luật, các ứng dụng mua / bán quảng cáo cũng chưa đăng ký thuế với các cơ quan của Việt Nam, giá quảng cáo thường rẻ hơn. Nhưng giá rẻ đồng hành với quảng cáo sạch của những doanh nghiệp có trách nhiệm nếu hiển thị trên những hệ thống này, có thể bị trộn với những quảng cáo bẩn.

Tuy nhiên, giá rẻ lại hấp dẫn các đại lý quảng cáo. Họ mua được giá rẻ và bán cho nhãn hàng với giá cao. Và nếu nhãn hàng chỉ nhìn vào bảng số liệu views, tương tác với quảng cáo số mà đại lý gửi tới, nhãn hàng có thể không biết quảng cáo về mình đã hiển thị ở những ứng dụng đang đứng ngoài vòng pháp luật Việt Nam. Đây cũng đang là một thực trạng phổ biến. Thực tế, các doanh nghiệp sạch lại đang ủng hộ tài chính cho những ứng dụng ngoài vòng pháp luật.

Nguyên nhân là do người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam. Không cung cấp thông tin để liên hệ, hoặc thông báo chưa đầy đủ. Những mạng xã hội lớn như YouTube, Facebook… còn đồng ý để người sử dụng đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật và bật kiếm tiền/cho phép cài đặt quảng cáo trên các kênh, hay tài khoản đó.

Tại Hội nghị triển khai các giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng cuối tháng 11/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết là đã mời 45 đơn vị quảng cáo tới làm việc và xử lý 15 trường hợp vi phạm với số tiền 210 triệu đồng. Xử lý 73 trang thông tin điện tử vi phạm quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Nghị định 70/2021/NĐ-CP về quảng cáo xuyên biên giới ban hành tháng 7/2021: Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông 15 ngày, trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Không được đặt quảng cáo vào nội dung xấu độc, chống phá Nhà nước, vi phạm bản quyền. Không hợp tác, phát hành quảng cáo với các trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật đã công bố công khai. Phải nộp báo cáo về Bộ theo định kỳ hoặc đột xuất. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị định 70, mới có 9 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông.

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết!

Ngọc Dũng