Góp ý Dự án Luật thanh tra (sửa đổi): Còn nhiều khoảng trống trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán

Để chuẩn bị công tác thẩm tra dự án luật và góp phần cung cấp thông tin phục vụ Phiên họp thứ 10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 30/03, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu Lập pháp phối hợp với thường trực Uỷ ban Pháp luật tổ chức Hội thảo góp ý Dự án Luật thanh tra (sửa đổi).

Theo các đại biểu trong những năm qua công tác thanh tra, kiểm tra đã đóng góp phần quan trọng, tích cực vào việc thiết lập và vận hành thể chế quản lý nhà nước phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền. Qua tổng kết công tác thanh tra trong khoảng mười năm trở lại đây, hàng năm các cơ quan thanh tra đều đã phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các vi phạm về chi ngân sách sách từ 2 tới 2,5% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng có tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, trong khi vẫn còn nhiều khoảng trống trong phát hiện, xử ý vi phạm trật tự quản lý. 

Để khắc phục những hạn chế, các đại biểu đề nghị dự thảo luật có quy định để tổ chức lại hệ thống thanh tra chuyên nghiệp của Chính phủ. Theo đó, cần thu gọn đầu mối có thẩm quyền tổ chức Cơ quan thanh tra và tiến hành hoạt động thanh tra về 4 chức danh là Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ, các Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương. Các bộ có cơ quan thanh tra Bộ và thành lập các cơ quan thanh tra chuyên ngành ở các tổng cục và các cục có nhiệm vụ quản lý nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Ở địa phương, ngoài Thanh tra tỉnh thì chỉ được phép thành lập Thanh tra sở tại một số rất ít đơn vị có nhu cầu và có đủ lực lượng để tổ chức thành cơ quan thanh tra chuyên ngành; lực lượng công chức thanh tra  hiện có tại các Sở khác và  thanh tra huyện được tập trung về Thanh tra tỉnh. 

Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm và thẩm quyền của các Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, đặc biệt là trong việc thu hồi tài sản công bị xâm hại hoặc bị thất thoát được phát hiện và kết luận trong các Kết luận thanh tra nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra ở khâu yếu kém nhất trong nhiều năm qua. Thiết kế lại mối quan hệ hệ giữa cơ quan thanh tra của nền hành chính nhà nước với  Ủy ban kiểm tra của cấp ủy Đảng và hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử nhằm khắc phục tình trạng phân tán, có phần chồng chéo, trùng lặp  để nâng cao hiệu quả tổng thể của hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát của Đảng và nhà nước.

Thùy Linh