Góp ý sửa đổi Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ: Định giá sáng chế khoa học giải quyết bài toán hài hòa lợi ích các bên

Để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội sắp tới, sáng 4/4, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”. Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì hội thảo.

Theo đó, đại biểu cho rằng, trên môi trường số hiện nay xảy ra rất nhiều vi phạm liên quan tới sở hữu trí tuệ. Để xử lý tình trạng này cần xác định, phân loại chi tiết các chủ thể liên quan và trách nhiệm đi kèm, cụ thể hoá điều kiện miễn trừ, quy trình xử lý, đặc biệt là chặn và dỡ thông tin liên quan. 

Ông NGUYỄN QUANG ĐỒNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông: “Anh không phải đền bù thiệt hại, khi bị kiện ra toà không phải nộp án phí và nộp tiền cho thiệt hại nhưng mà có nghĩa vụ là khi cần thiết phải có trách nhiệm bảo vệ quyền cho các chủ thể có quyền tác giả.”

Liên quan tới các sáng chế khoa học sử dụng kinh phí nhà nước, theo các đại biểu nên xem xét đơn giản hoá các thủ tục để các thành tựu nghiên cứu sớm được ứng dụng, đi vào cuộc sống; không nên chuyển giao 100% các sáng chế khoa học sử dụng kinh phí nhà nước cho các tổ chức, cá nhân; không định giá sản phẩm nghiên cứu ngay sau khi kết thúc đề tài, đồng thời nên giao việc định giá, tỷ lệ phân chia lợi nhuận cho cơ quan chủ trì nghiên cứu. 

Ông NGUYỄN TRỌNG KHANH, Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm: “Thẩm định, định giá, tổ chức đấu thầu cũng phải 2-3 năm. Trong khi vòng đời giống cây trồng chỉ 5-7 năm. Thủ tục xong thì giống cũng hết vai trò. Tôi cho rằng giao cho các cơ quan chủ trì định đoạt phù hợp thực tiễn và khuyến khích tạo ra các đề tài khoa học.”

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội ghi nhận, tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu. Ông cũng cho rằng việc định giá sáng chế khoa học là một vấn đề khó, không nên đo đếm từng đồng mà cần tính toán lợi ích tổng thể từ việc đầu tư. Đồng thời cần tìm một điểm rơi hài hoà để cân bằng quyền tác giả sáng chế và quyền khai thác, sử dụng sáng chế; những vấn đề đã được kiểm nghiệm, ổn định thì nên luật hoá. Riêng việc bổ sung và sửa đổi một số điều liên quan tới quốc kỳ, quốc huy, quốc ca ngoài yếu tố luật còn liên quan tới ý nghĩa chính trị. Không ai, không có bất cứ lý do nào ngăn cản người dân được tiếp cận.

Huỳnh Tiến