Grab ngừng áp dụng “phụ phí nắng nóng” do khó phân chia doanh thu

Liên quan đến việc Công ty TNHH Grab (Grab) áp dụng phụ phí 'thời tiết nắng nóng gay gắt' (phụ phí nắng nóng), ngày 15/8, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng ( Bộ Công Thương) cho biết đã tiến hành làm việc với các bên liên quan, tìm hiểu, thu thập thông tin nhằm làm rõ sự việc.

Theo đó, Grab thông báo áp dụng "phụ phí nắng nóng" với các dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe hai bánh, gồm: GrabBike, GrabFood, GrabMart và GrabExpress tại TP Hà Nội, TP.HCM và một số khu vực khác tại Việt Nam kể từ ngày 6/7. Phụ phí này được áp dụng với điều kiện nhiệt độ ngoài trời trong khung giờ nhất định đạt từ 35 độ C trở lên. 

Grab khẳng định, 100% nguồn thu (sau thuế) từ “phụ phí nắng nóng” được dành cho đối tác tài xế của Grab. Tuy nhiên, do hạn về thiết lập hệ thống, đặc biệt là trong việc tự động tách bạch và phân chia doanh thu để có thể hạch toán 100% nguồn thu (sau thuế) từ phụ phí này cho đối tác tài xế nên Grab đã ngừng áp dụng “phụ phí nắng nóng” kể từ ngày 7/7/2022.

Tính đến hết ngày 29/7/2022, Grab đã hoàn tất việc chuyển toàn bộ nguồn thu từ “phụ phí nắng nóng” (sau khi đã trừ thuế giá trị gia tăng) cho các đối tác tài xế của mình.

Sau khi Grab thực hiện phụ thu nắng nóng, nhiều khách hàng của hãng xe công nghệ này đã phản ứng khá dữ dội bởi Grab cũng từng tự đề ra những loại phí phụ thu khác như: thời tiết xấu (trời mưa), chuyến xe ban đêm, khung giờ cao điểm, phí chờ lâu...

Điều đáng nói, tất cả những khoản thu này của Grab đều thực hiện theo kiểu một chiều là hãng chỉ thông báo và thu tiền, khách hàng buộc phải chấp nhận. Đây cũng được coi là nguyên do khiến giá cước của Grab thay đổi liên tục, "nhảy múa" khiến khách hàng nhiều khi gặp phiền toái vì đặt xe rồi mới được thông báo "giá cước có điều chỉnh".

Cũng không ít ý kiến của các khách hàng dùng dịch vụ của Grab cho rằng, đây là hình thức tận thu mới của hãng xe công nghệ này sau khi đã thâu tóm thành công thị trường gọi xe hai bánh và 4 bánh qua ứng dụng đặt xe khiến cho các xe ôm truyền thống rơi vào cảnh điêu đứng vì mất khách hàng.
 

Việt Bắc