Hà Giang: Bản làng chuyển mình nhờ làm du lịch địa chất

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản địa chất cùng với các giá trị di sản khác đã trở thành một xu hướng mới của thế giới về bảo tồn thiên nhiên. Điều đáng mừng, dựa vào những giá trị địa chất nổi bật, hiếm có mà nhiều bản làng vùng cao đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, mang lại cuộc sống ấm no hơn cho những nơi từng bị coi là đói, là nghèo.

Con đường từ trên đèo Mã Pì Lèng xuống tới bến thuyền sông Nho Quế đi ngắm Hẻm Tu Sản phải vượt qua tầm 40-50 khúc cua, thế nhưng, dù mưa hay nắng thì khách du lịch tới đây vẫn đoàn nối đoàn. Khách trong nước, hay khách nước ngoài tới đây đều bởi sự tò mò, ngưỡng mộ về một điểm đến tuyệt đẹp và kì vĩ.

Anh MAI TRUNG ĐỨC – Khách du lịch tới từ Phú Thọ: "Tôi thì đã xem qua chỗ này qua truyền hình, báo chí. Hôm nay có điều kiện thì tôi cũng đã đưa gia đình tới đây. Mặc dù hôm nay trời mưa nhưng mà phải nói nơi đây khung cảnh rất tuyệt với".

Bà SOPHIE WALKIERS – Khách du lịch người Pháp: "Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới nhưng nói thật là chưa thấy chỗ nào mà đẹp như thế này, bởi thứ nhất là cảnh, thứ hai là thảm thực vật rất là xanh, nước cũng rất là trong, tạo ra sự phản chiếu khuyến cảnh càng tuyệt vời hơn".

Những lời ca ngợi của du khách không hề quá nếu chúng ta được một lần đứng trên mũi thuyền, đi qua Hẻm Tu Sản với chiều cao vách đá lên tới 700-900m, chiều dài tới 1,7km. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Hẻm Tu Sản được mệnh danh là “đệ nhất hùng quan” của vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Cũng nhờ sự kì vĩ, độc nhất của di sản địa chất này mà đời sống của những lái thuyền thôn Tà Lùng, xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc như anh Hoàng Văn Tâm đã bắt đầu thay đổi, dù mới tham gia làm du lịch được hơn 1 năm.

Anh HOÀNG VĂN TÂM – Hợp tác xã Nông nghiệp và du lịch, dịch vụ Tu Sản: "Gia đình tôi xưa chủ yếu làm ngô, trồng sắn, chăn nuôi thêm con gia súc. Bây giờ từ khi phát triển du lịch, gia đình cũng tham gia làm nhà thuyền, phục vụ khách du lịch thì thấy cuộc sống nó cũng cải thiện hơn đôi chút.".

Để đảm bảo hài hòa giữa việc khai thác du lịch với gìn giữ những giá trị di sản địa chất, chính quyền địa phương cũng đã cho phép các hộ dân thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và du lịch, dịch vụ Tu Sản, nhằm tạo một tuyến du lịch chuyên nghiệp cả về cơ sở vật chất lẫn con người, tương tự cách làm tại nhiều khu du lịch nổi tiếng như Tràng An hay Hạ Long.

Anh HOÀNG VĂN ĐIỆP – Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và du lịch, dịch vụ Tu Sản: "Các lái thuyền đều được tập huấn về nghiệp vụ trên thuyền, nghiệp vụ du lịch, tập huấn các lớp về phòng chống cứu hộ cứu nạn để trong quá trình mình vận hành sẽ đảm bảo hơn."

Vượt cả vài trăm cây số với những khúc cua tay áo liên tục, thế nhưng Hẻm Tu Sản giờ trở thành một điểm đến khó có thể bỏ qua khi du khách tới Hà Giang. Việc biết tận dụng những giá trị di sản địa chất và dần chuyên nghiệp hóa cách thức làm du lịch đã biến nơi đây thành một điểm hấp dẫn và tấp nập. Đây cũng có thể coi là động lực để các địa phương khác có thể tính tới việc phát triển kinh tế trên nền tảng di sản địa chất.

Anh Thư