• 2272 lượt xem
  • 22:01 24/06/2022
  • Xã hội

Hà Nội: Đề xuất bổ sung hàng nghìn điểm chờ xe bus liệu có khả thi?

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa đề xuất bổ sung 2.500 - 2.700 điểm dừng xe bus trong giai đoạn từ nay đến 2025. Đề án được xây dựng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng, bảo đảm năng lực tổ chức kết nối với đường sắt đô thị để thu hút người dân dùng vận tải công cộng. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng xe bus vẫn có những tồn tại cần giải quyết.

Theo số liệu Sở Giao thông vận tải đưa ra, hiện nay, trong các điểm dừng và nhà chờ xe bus tại Hà Nội chỉ có khoảng 11% điểm dừng có nhà chờ. Với điều kiện giao thông ở Hà Nội và thời tiết thất thường, sự thiếu hụt các điểm dừng có nhà chờ cho hành khách là một sự bất tiện rất lớn.

Bà NGUYỄN THỊ HƯƠNG SƠN, thành phố Hà Nội: Đứng chờ xe bus phải có chỗ che mưa, che nắng, nhất là chúng tôi già rồi. Không có, chúng tôi thấy khổ lắm!”

Tuy nhiên, nhà chờ đã ít nhưng lại đem đến tâm lý ám ảnh, lo ngại cho người dân bởi nơi thành bãi đỗ xe, nơi thì tập kết rác, nhiều điểm thành những quán nước, hàng ăn bất đắc dĩ.

Bạn NGUYỄN THỊ MINH PHƯƠNG, Sinh viên Đại học Dược Hà Nội: “ Có nhiều điểm chờ xe bus mà người vô gia cư chiếm để ngồi, nằm, nghỉ qua đêm. Đứng đấy em không thấy an toàn lắm. Em sẽ gọi grab hoặc phương tiện khác, không đợi bus nữa.” 

Một vấn đề nổi cộm hiện nay, theo quy định, điểm dừng xe buýt tại nơi có vỉa hè rộng từ 5m trở lên phải lắp đặt nhà chờ. Song thực tế, số đường phố có vỉa hè rộng đủ điều kiện lắp đặt nhà chờ chiếm tỷ lệ thấp, gây khó khăn trong việc phát triển thêm số lượng nhà chờ.

Ông BÙI DANH LIÊN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: “Vỉa hè để đặt điểm chờ xe bus không phù hợp. Chỗ cao chỗ thấp, người lên xe bus phải nhảy lên nhảy xuống như thế là không an toàn.”

Với việc tăng hàng nghìn điểm dừng xe buýt, thành phố Hà Nội kỳ vọng rút ngắn thời gian đi bộ của người dân khi tiếp cận các nhà chờ xe bus. Thế nhưng, nhiều chuyên gia e ngại, việc tăng đột biến số điểm dừng xe buýt đến 60-70% chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng lưu thông chung trên toàn địa bàn thành phố.

Ông BÙI DANH LIÊN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: “Trước hết phải khắc  phục những bất cập đó (về điểm chờ xe bus). Mà những bất cập đó thì không tốn kém, thuộc về quản lý.  Các cơ quan quản lý của Sở Giao thông phải nâng cao trách nhiệm của mình với việc xây dựng, bảo vệ, nâng cấp trạm xe bus trong Thủ đô để kích thích người dân đi lại.”

Ông TRẦN HUY ÁNH, Chuyên gia nghiên cứu đô thị: “Có nhiều điểm chờ đi chăng nữa mà không thân thiện, không thu hút được khách thì bản thân xe bus cũng khó có thể tồn tại trong thị trường cạnh tranh như hiện nay.”

Dự kiến kinh phí thực hiện Đề án trong giai đoạn 2022 - 2025 lên tới hơn 357 tỷ đồng, trong đó có hơn 309 tỷ đồng nguồn xã hội hóa. Việc đa dạng hình thức đầu tư tham gia là một tín hiệu tốt, nhưng công tác duy tu bảo trì các điểm chờ xe buýt có được đảm bảo hay không vẫn là một câu hỏi lớn từ người dân.

Khánh Hoàng