Hà Nội: Người dân bất lực đợi điện, nước, hộ khẩu

Tại Hà Nội xuất hiện một “ốc đảo”. Gọi như vậy là bởi suốt thời gian qua, các hộ dân khu đất dịch vụ phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội phải sống trong tình trạng không điện, không nước, không hộ khẩu dù được giao đất dịch vụ đã hơn 10 năm. Nhiều lần họ làm đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng nhưng dường như câu trả lời vẫn là điệp khúc “chờ và đợi”.

Nước đã qua 1 lần lọc cát sỏi nhưng bằng mắt thường vẫn thấy có màu vàng rất đậm. Khi đổ nước chè vào lập tức đổi thành màu tím đen. Để có nước sinh hoạt, 100% người dân ở đây phải sử dụng nước giếng khoan ngay cạnh các khu nghĩa trang nằm sát khu dân cư.

Bà NGUYỄN THỊ HƯƠNG, Khu 2 đất dịch vụ phường Đồng Mai, quận Hà Đông, TP Hà Nội: “Từ khu 1 đến giữa khu 2 chúng tôi có 3 cái nghĩa trang, nước sử dụng cặn vôi và ô nhiễm rất nhiều. Hàng tháng chúng tôi phải tẩy rửa bằng nước dấm đun nóng để hết cặn vôi đi”.

Người dân: "Bình thường tắm rửa cho các cháu đều phải mua cái bình nước về sử dụng. Nếu không có nước này dùng nước giếng khoan lập tức bị nổi hết mẩn, ngứa hết trong người"

Những cột đèn đường bất đắc dĩ phải làm thay cột điện, đường dây đấu nối tạm bợ. Những người dân ở đây cho biết người dân phải tự đấu đường dây kéo điện từ một số hộ dân khác, phải trả đồng giá 4.500 đồng/1 số điện, không có hóa đơn thanh toán, chỉ có một mẩu giấy báo số điện sử dụng hàng tháng để tính ra tổng số tiền phải trả.  

Ông TRẦN ĐÌNH THÁCH, Khu 2 đất dịch vụ phường Đồng Mai, quận Hà Đông, TP Hà Nội: “Điện rất yếu, chập chờn nhảy lioa liên tục.Nếu giờ cao điểm nấu nướng hay giờ trưa nhất mùa hè nóng nực thì thậm chí điều hòa, quạt máy quay cũng chỉ lờ lờ thôi. Rất ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu”.

Không có điện có nước, nhiều người dân dù có đất nhưng vẫn không thể về đây xây nhà để ổn định cuộc sống.

Được biết dự án đất dịch vụ Đồng Mai là dự án anh sinh xã hội khi thực hiện thu hồi đất của người dân để thực hiện dự án Cụm Công nghiệp Đồng Mai theo Quyết định 978 năm 2007 của UBND tỉnh Hà Tây. Tuy nhiên sau 14 năm, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dự án này vẫn chỉ là bãi đất trống. Cùng đó, mỗi hộ dân cũng đã đóng đầy đủ hơn 82 triệu đồng tiền phí cơ sở hạ tầng cho 1 lô đất từ những năm 2014 – 2015, nhưng đến nay vẫn “bất lực” chờ đợi hạ tầng tối thiểu như điện và nước. 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục liên hệ UBND quận Hà Đông, UBND thành phố Hà Nội để thông tin đến quý vị và các bạn trong các chương trình tiếp theo.

Hoàng Tùng