Hà Tĩnh siết chặt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép

Trước hàng loạt sai phạm của một số doanh nghiệp trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn, như khai thác vượt công suất, khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép, chưa hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để tổ chức hoạt động khai thác và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường… tỉnh Hà Tĩnh đã làm gì để chấn chỉnh, siết chặt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép?

Mỏ đá tại xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc có diện tích 3,68 ha này là của Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp VN1, được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép khai thác từ năm 2015, thời hạn khai thác 10 năm. Theo tìm hiểu của phóng viên, trong quá trình khai thác đơn vị này đã vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 58 Luật Khoáng sản, khai thác khoáng sản không đúng thiết kế mỏ, vi phạm khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác theo bề mặt và chiều sâu cho phép. Ngoài ra, liên tục chậm trễ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản. Có thời điểm nợ lên đến hơn 7 tỷ đồng. Với tính chất và mức độ vi phạm, UBND tỉnh đã ra Quyết định thu hồi giấy phép của công ty này dù thời hạn còn 2 năm.

Không chỉ Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp VN1, qua thanh tra đã phát hiện 11 đơn vị khai thác không đúng thiết kế mỏ; vượt công suất; vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác và 2 đơn vị khai thác, sử dụng khoáng sản đi kèm khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước cho phép theo quy định. Để siết chặt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi giấy phép, đóng 10 mỏ vật liệu xây dựng tại các huyện Hương Sơn, Hương Khê và Cẩm Xuyên, đồng thời tổ chức đấu giá để cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản đối với 15 mỏ đất và cát, đá làm vật liệu xây dựng thông thường. Hiện nay có 8 mỏ đã đưa vào khai thác, các mỏ còn lại dù đã nộp tiền ký quỹ cấp quyền khai thác mỏ; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng vẫn chưa đủ điều kiện đưa vào hoạt động.

Việc sớm đưa các mỏ đã trúng đấu giá vào khai thác là cần thiết hiện nay, bởi không chỉ đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án trọng điểm của địa phương, mà còn có sự cạnh tranh về giá, tránh độc quyền trên thị thường và góp phần ngăn chặn hoạt động trái phép trên địa bàn.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Quốc Hưng -

Như Huỳnh