Hai bộ trưởng đưa giải pháp bù đắp thiếu hụt lao động ngành du lịch do Covid-19

Trong phiên chất vấn chiều 10/8 về lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các giải pháp đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động ngành du lịch bị thiếu hụt do hậu quả của đại dịch Covid-19 được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Trong bối cảnh nguồn lao động có sự dịch chuyển mạnh từ thành thị về nông thôn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì việc đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động phải có giải pháp cụ thể.

Đại biểu NGUYỄN HỮU THÔNG, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận: “Để ngành du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và là ngành kinh tế mũi nhọn, yếu tố nguồn lực là yếu tố hàng đầu. Đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có giải pháp đào tạo, lại lực lượng lao động trong ngành du lịch hiện nay?”

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Giải pháp lâu dài là phải tập trung đánh giá lại thực trạng lao động của doanh nghiệp du lịch thời gian qua để có các giải pháp có tính chất căn cơ. Còn giải pháp trước mắt là phải tập trung cho đào tạo, trong đó có đào tạo liên ngành, trong đó Bộ Lao động Thương binh Xã hội quản lý về trường nghề còn chúng tôi thì tăng cường các chất lượng về mặt chuyên môn để tổ chức thực hiện và liên kết nhất là tại các công ty lữ hành lớn. Các trung tâm lữ hành lớn đã tuyển dụng sinh viên ở các trường du lịch để đưa về đào tạo với tính chất là trực tiếp hướng dẫn và thực hành để có thể bù đắp được lượng lao động này". 

Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã chỉ ra 07 nhóm giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề này.

Ông ĐÀO NGỌC DUNG, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: "Đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và thích ứng dần; hình thành kỹ năng mới thích ứng với sự thay đổi của thế giới việc làm; triển khai mạnh mẽ hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và khu vực, tiến tới công nhận Bộ tiêu chuẩn nghề ASEAN và quốc tế; tổ chức thi cấp chứng chỉ tay nghề quốc gia ASEAN hướng tới các hoạt động du lịch hướng dẫn cái bài bản chuyên nghiệp đủ năng lực cạnh tranh; có chính sách thu hút nhân lực và học, làm việc đi đôi với nâng cao năng lực hệ thống đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao chất lượng; quy hoạch liên kết đồng bộ giữa Trung ương, địa phương, các ngành gắn kết doanh nghiệp lữ hành với nhà trường; phát triển du lịch, đa dạng hóa các hình thức học tập, đào tạo, mở rộng địa bàn đào tạo; tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên." 

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần áp dụng một số chính sách ngắn hạn tập trung đào tạo nghề cho người lao động. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để xây dựng đề án phát triển lao động ngành du lịch vừa đào tạo dài hạn vừa trước mắt; vừa học văn hóa vừa học nghề.