Hành lang Quốc hội 6/6: Cú sốc của ngành giáo dục đối với Quyết định 861

Một vấn đề được quan tâm trong phiên chất vấn chiều nay 6/6 là Quyết định 861 của Chính phủ ngày 4/6/2021 về phê duyệt danh sách xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, nhiều thôn, xã từ khu vực III, II chuyển sang khu vực I, đồng nghĩa với việc người dân ở khu vực này không thuộc diện đặc biệt khó khăn nên không được hưởng một số chính sách dân tộc, trong đó có ngành giáo dục. 

Từ khi bị cắt chế độ bán trú theo Quyết định 861, Đăng và các bạn trong bản Liên Sơn phải chèo đèo, lội suối như thế này. Để đến trường với thời tiết nắng ráo thì quãng đường 8km với các em đã là nhọc nhằn. Thế nhưng, khi trời mưa, lũ thì lại là một câu chuyện khác.

Không được hỗ trợ chính sách bán trú, người nhà phải mất thời gian đưa đón, khiến cho tình trạng bỏ học của học sinh nơi đây là hiện hữu.

14 năm gắn bó với ngành giáo dục là từng ấy năm cô giáo Hậu nỗ lực vượt mấy chục cây số để mang con chữ cho các em học sinh vùng khó khăn. Trước đây, cô được hỗ trợ các chính sách phụ cấp vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, khi Quyết định 861 có hiệu lực, các khoản này bị cắt, đời sống của gia đình cô cũng vì thế mà khó khăn hơn.

Trước đây, tỉnh Thanh Hóa có 26 trường phổ thông bán trú được hưởng chế độ ăn bán trú, phụ cấp cho giáo viên. Từ khi quyết định 861 có hiệu lực, tỉnh này chỉ còn 7 trường. Điều này, khiến cho bài toán thu hút đội ngũ giáo viên về vùng cao công tác sẽ trở nên khó hơn bao giờ hết khi mà hàng ngày họ vẫn phải làm việc nơi có điều kiện kinh tế khó khăn và thiếu thốn trăm bề.

Liên quan tới nội dung này, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lưu Thế Anh - Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam