Hành trình cấp CCCD gắn chip bớt gian nan sau phản ánh của Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Chuyển đổi số là 1 quá trình đang được đẩy mạnh, nhất là với việc làm CCCD gắn chip. Tiện ích của loại giấy tờ mới này là không thể phủ nhận và hầu hết công dân đều đã được tiếp cận. Tuy nhiên, như THQHVN đã đề cập vấn đề đảm bảo công bằng trong làm CCCD với mọi đối tượng xã hội, nhất là những người lầm lỡ quay trở lại cộng đồng.Tiếp thu ý kiến này, Bộ Công an đã có điều chỉnh.

Làm lại cuộc đời là suy nghĩ của những người từng phạm phải lỗi lầm muốn hướng tới. Thế nhưng, thực tế thì nhiều người sau khi chấp hành án phạt tù xong thì thủ tục để làm một công dân bình thường cũng còn nhiều gập ghềnh.

Anh NGUYỄN THÀNH TRUNG, Quận Đống Đa, Hà Nội: "Ở phường thì bảo lên quận, lên quận thì người ta bảo phường phải đề xuất lên; đề xuất lên thì quận cũng nhận và báo đề xuất lên cục rồi. Trên cục không trả lời và cũng không có hướng dẫn gì cụ thể cả. Mà đi đi lại lại, lên trên quận phải mười mấy hai mươi lần rồi. Trong vòng 7 tháng mà không có cách gì, không ai có thể trả lời được là làm thế nào để có được căn cước công dân. Trong khi đấy, tôi lấy vợ và sắp có bé, cũng cần có giấy đăng ký kết hôn, rồi cũng cần giấy khai sinh cho con đi học và có những thủ tục, công việc, nhiều thứ khác rất cần giấy tờ mà không có cách gì để có thể làm được."

Theo quy định của pháp luật, người chấp hành án phạt tù xong được trả lại quyền công dân và đương nhiên được phép làm căn cước công dân gắn chíp. Tuy nhiên, chỉ khi vấn đề này được đưa ra tại buổi họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác năm 2022 tại Bộ Công an thì sự việc mới được ngã ngũ.

Thiếu tướng NGUYỄN QUỐC HÙNG, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, Bộ Công an: "Đối với trường hợp cụ thể, có đủ điều kiện chúng tôi rất là vui, là có nhiều người mong muốn được làm. Chúng tôi mong muốn để công dân làm cho nhanh. Cảm ơn Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có phản ánh."

Sở hữu một tấm căn cước công dân, chuyện tưởng chừng như đơn giản mà anh Nguyễn Thành Trung phải mất gần 1 năm. Niềm vui, sự xúc động lúc này có lẽ những người cùng hoàn cảnh anh hiểu rõ nhất. Bởi đây là minh chứng anh đã được xã hội công nhận.

Anh NGUYỄN THÀNH TRUNG, Quận Đống Đa, Hà Nội: "Điều lo lắng nhất của mình đã được giải quyết - con tôi ra đời sẽ có giấy khai sinh, có bố có mẹ như 1 đứa trẻ bình thường. Tôi cảm ơn cơ quan chức năng và Truyền hình Quốc hội đã quan tâm chú ý, giúp đỡ đến người dân chúng tôi. Đặc biệt là những người như tôi để có niềm tin cuộc sống, và tái hoà nhập cộng đồng, không mặc cảm".

Thiếu tá NGUYỄN THÀNH LÂM, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, Hà Nội: "Đối với trường hợp vừa rồi Truyền hình Quốc hội nêu trong quá trình họp báo, chúng tôi cũng đã nhận được chỉ đạo của C06. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã trực tiếp trao đổi với công dân. Sau đó, chúng tôi đã thực hiện tháo gỡ ngay. Trong thời gian ngắn nhất, chúng tôi đã hoàn thiện các thủ tục để có thể nhận hồ sơ cho công dân và trong thời gian tới sẽ trả kết quả cho dân."

 Chia sẻ với những khó khăn của cơ quan chức năng, song hơn lúc nào hết, người dân thực sự mong mỏi cơ quan chức năng các hướng dẫn, hỗ trợ họ khi có vướng mắc về thủ tục giấy tờ trong quá trình chuyển đổi sang dữ liệu số. Tránh tình trạng không có sự phối hợp đồng bộ, để hành trình làm căn cước bớt gian nan và điều quan trọng là không ai bị bỏ lại phía sau.

Khánh An