• 1697 lượt xem
  • 18:57 19/06/2023
  • Kinh tế

Hiệu quả từ mô hình trồng lúa "1 phải - 5 giảm"

Rõ ràng như nhận định của Cục Trồng trọt có nhiều nguyên nhân làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa bao gồm: Sử dụng nước kém hiệu quả, mật độ gieo sạ cao, tỷ lệ bón phân chưa hiệu quả, thu hoạch rơm rạ chưa đúng cách.

Nguyên nhân đã rõ, việc cần làm hiện nay là áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tại ĐBSCL, vựa lúa của cả nước cũng là khu vực phát thải nhà kính lớn, nhiều nông dân đã chủ động tìm tòi phương thức canh tác mới. Đặc biệt, khi tham gia dự án VnSAT, người nông dân đã được tập huấn các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến như “3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm”, thu được hiệu quả và lợi ích thiết thực.

Với hơn 50% diện tích trồng lúa của cả nước, người dân Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng hiểu rõ giá trị của cây lúa và tác động của phương pháp canh tác cũ tới môi trường. Để hạt gạo tiếp tục được nhân giá trị, giữ đất sản xuất, không còn cách nào khác người dân nơi đây phải thay đổi phương thức canh tác. Mô hình canh tác “1 phải - 5 giảm”: Phải sử dụng hạt giống được chứng nhận; Giảm lượng hạt giống, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước được sử dụng và giảm thất thoát sau thu hoạch cũng được nhiều bà con, hợp tác xã áp dụng.

Là một trong nhiều nông dân áp dụng kỹ thuật "1 phải 5 giảm" khoảng 4 năm nay, ban đầu khi tiến hành sạ thưa, ông Trương Văn Phúc cũng cảm thấy lo lắng. Nhưng sau khi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, ông mạnh dạn thay đổi, áp dụng phương pháp canh tác này kết hợp với quản sâu bệnh theo chương trình IPM. Kể từ đó đến nay, năng suất lúa đạt cao hơn so với trước, đời sống gia đình cũng khấm khá hơn.

Theo ông Đoàn Tuấn Về, Giám đốc HTX Thạnh Lộc, nhờ dự án VnSAT mà các thành viên trong hợp tác xã đã được tập huấn và tiếp cận nhiều kỹ thuật canh tác tiên tiến, không chỉ đem lại hiệu quả cao mà còn giúp thay đổi được tập quán sản xuất.

Thông qua dự án Vnsat, nhiều địa phương tại ĐBSCL có thêm nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp. Bên cạnh đó còn giúp giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua việc giảm lượng nước, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác. Phương thức này không chỉ giúp đầu tư hạ tầng, thay đổi phương thức sản xuất mà còn đào tạo, tấp huấn cho đội ngũ nhân lực tham gia dự án, nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa, gạo.

Việc chuyển đổi từ việc trồng lúa truyền thống sang trồng lúa áp dụng quy trình kỹ thuật "1 phải - 5 giảm" đã giúp giảm chi phí sản xuất thông qua giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm dư thừa, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới và thất thoát sau thu hoạch. Từ đây, các kỹ thuật mới đã góp phần tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận trong sản xuất lúa.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Công Tràng - Chí Điển -