Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Cần được tạo điều kiện hoạt động như cánh tay nối dài của Nhà nước

Cần làm rõ hơn việc đảm bảo hoạt động cũng như cơ chế hoạt động cho các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến tại phiên họp thẩm tra Dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Theo các đại biểu, thực tế cho thấy vai trò quan trọng của Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc hỗ trợ, bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, tổ chức này còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, nhân lực.

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam:Chúng ta không có ngân sách nhà nước mà trên cơ sở giao việc. Trong này ghi một loạt việc, nhưng mà giao một trong số đó chẳng hạn. Tôi nghĩ là không nên. Phải tạo điều kiện cho tổ chức này hoạt động, vì chúng tôi xác nhận bản thân nó như một cánh tay nối dài. Nhà nước không thể có đủ biên chế mà đáp ứng được mọi nhu cầu của xã hội. Tổ chức này ra đời góp phần hỗ trợ Nhà nước, nhất là độ tiếp cận với dân.”

Ông TRỊNH XUÂN AN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai:Khoản 2 điều 49 quy định 1 điều mới là tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quyền tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng khi có đủ điều kiện. Nhưng 4 điều kiện ở đây chẳng có điều kiện nào là lợi ích công cộng cả. Cái quan trọng nhất là tổ chức này được quyền khởi kiện khi nó phát hiện ra lợi ích công cộng. Lợi ích công cộng phải là cái gì thì mới rõ được. Nếu chúng ta không quy định chặt có thể bị lợi dụng. Người ta có thể khởi kiện gây ảnh hưởng rất lớn cho doanh nghiệp, cho người bán hàng. Nếu không có tiêu chí sẽ rất dễ dẫn đến ảnh hưởng.”

Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung phụ nữ đơn thân ở vùng nông thôn – miền núi, người nghèo vào các đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương, hay quy định rõ ràng hơn về người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người già, hoặc người dân tộc thiểu số.

Ông PHẠM PHÚ BÌNH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An: “Về điều khoản liên quan đến người tiêu dùng dễ bị tổn thương, các đồng chí nêu trách nhiệm khi giao dịch với người tiêu dùng dễ bị tổn thương, thì có thể chúng ta không rõ khách hàng chúng ta đang giao dịch là khách hàng dễ bị tổn thương, hoặc nếu chúng ta tìm cách làm rõ xem họ có phải là khách hàng dễ bị tổn thương không thì đấy chính là hành vi làm tổn thương người ta. Cái này cũng phải cân nhắc thêm.”

Tại hội nghị, đại diện Bộ Công thương-đơn vị chủ trì soạn thảo khẳng định, sẽ tiếp thu, nghiên cứu một cách đầy đủ các ý kiến đóng góp và sẽ có thêm báo cáo đánh giá tác động về các nội dung này.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Anh Tuấn