Hội đồng Y khoa Quốc gia có chức năng gì?

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Với việc sửa đổi Luật lần này thì lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để thực hiện việc đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề.

Cơ bản nhất trí với quy định trong dự thảo luật về mô hình tổ chức này, trong đó có việc giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng y khoa quốc gia, các đại biểu tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện, đảm bảo hiệu quả hoạt động của mô hình khi Luật được thông qua và có hiệu lực thi hành.

Theo đại biểu Lê Văn Cường đoàn Thanh Hóa, hiện nay có khoảng 182 trường khối ngành sức khỏe, trong đó 90 trường công lập, 92 trường ngoài công lập, các trường này khác nhau về tầm nhìn, mục tiêu, điểm đầu vào, về giáo trình, giảng viên cơ sở thực hành… Vì vậy, rất cần có bộ công cụ để chuẩn hóa sau khi tốt nghiệp; Và Hội đồng y khoa quốc gia có vai trò rất quan trọng trong xây dựng bộ công cụ này.

Mặc dù thống nhất với các quy định về kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề và cấp phép hành nghề của dự thảo Luật… Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu quả, khả thi khi triển khai thực hiện luật này sau khi được Quốc hội thông qua, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét việc giao nhiệm vụ tất cả các nội dung cho Hội đồng quốc gia Y khoa quốc gia.

Các đại biểu cũng đề nghị cần ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề để phát huy tối đa hiệu quả cũng như tránh lãng phí về thời gian, công sức khi triển khai việc đánh giá và đánh giá lại năng lực đối với đội ngũ y, bác sĩ trong hành nghề.

 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam