Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 17: Mục tiêu giải quyết những thách thức và khủng hoảng toàn cầu

Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 17 đã chính thức khai mạc tại Bali, Indonesia, với sự tham dự của hàng chục nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ, và lãnh đạo tổ chức quốc tế. Với chủ đề “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn” của Chủ tịch Indonesia 2022, Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay đặt mục tiêu giải quyết hàng loạt thách thức và khủng hoảng trầm trọng mà cả thế giới đang phải đối mặt.

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G20: ĐOÀN KẾT VÀ THỐNG NHẤT

Phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổng thống nước chủ nhà Joko Widodo đã kêu gọi tinh thần đoàn kết, thống nhất, hy vọng vào một kết quả cụ thể giúp thế giới đối phó với các cuộc khủng hoảng hiện nay.

Tổng thống Indonesia JOKO WIDODO: “Sự hợp tác và đoàn kết của chúng ta là rất cần thiết để cứu lấy thế giới. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm không chỉ với người dân nước mình, mà với cả người dân toàn cầu.”

Tổng thống Widodo khẳng định, thế giới đang phải đối mặt với các thách thức chưa từng có, với các cuộc khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng, gây ra những tác động rõ rệt nhất đối với vấn đề an ninh lương thực và năng lượng. Tổng thống Widodo cũng đồng thời nhấn mạnh G20 không được để thế giới rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh khác và các cuộc xung đột hiện nay cần phải chấm dứt.

Tổng thống Indonesia JOKO WIDODO: "Chúng ta không nên chia thế giới thành nhiều phần. Chúng ta không được để thế giới rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh khác"

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G20 CẦU NỐI THÚC ĐẨY SỰ PHỤC HỒI

Với tư cách nước chủ nhà, Indonesia tuyên bố sẵn sàng trở thành cầu nối giữa bất kỳ cường quốc hoặc thành viên nào của G20 trong thời gian diễn ra hội nghị, giúp tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề nóng hiện nay. Điều này được thể hiện ở các cuộc gặp song phương trước thềm hội nghị diễn ra.

Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp nước chủ nhà Joko Widodo, hai bên đã thảo luận về việc xích lại gần hơn trong hợp tác chung tại khu vực Đông Nam Á, cũng như Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đảm bảo một khu vực tự do và hòa bình.

Trong khi đó, tại cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Joko Widodo kỳ vọng G20 là chất xúc tác thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu. Trong khi đó, Thủ tướng Kishida khẳng định ủng hộ Indonesia trong các nỗ lực giải quyết những vấn đề toàn cầu nhằm xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

… NHƯNG LÀ HỘI NGHỊ KHÓ KHĂN NHẤT

Đảm nhận chức Chủ tịch G20 năm nay là thách thức lớn nhất từ trước đến nay của Indonesia do diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị phức tạp, suy thoái kinh tế và nhiều vấn đề khác. Theo giới quan sát, trong thời điểm nội bộ các nền kinh tế G20 mâu thuẫn sâu sắc, bị chia rẽ chưa từng thấy và bị phủ bóng bởi hàng loạt cuộc khủng hoảng, hội nghị thượng đỉnh tại Bali nhiều khả năng sẽ khó đạt được đồng thuận rộng rãi. Thay vì một thông cáo chung hoặc một tuyên bố chung như thường lệ, hội nghị có thể sẽ kết thúc bằng một bản tóm tắt của chủ tọa, trong đó ghi nhận và liệt kê các nội dung đã được thảo luận.

Tuy nhiên, các cam kết và hành động cụ thể giúp hiện thực hóa các nội dung ưu tiên của nước Chủ tịch như kế hoạch của Mỹ nhằm huy động 600 tỷ USD tài trợ các nước có thu nhập thấp và trung bình, hay thành lập Quỹ đối phó với các đại dịch tương lai, cũng được đánh giá là một trong những thành công của G20 năm nay. Hơn hết, G20 vẫn được coi là diễn đàn hữu ích để các nền kinh tế lớn trên thế giới đối thoại, và lắng nghe những quan điểm của nhau, từ đó thúc đẩy những mục tiêu phục hồi chung.

Ngọc Anh