Hội thảo về phát triển Blockchain: Quốc hội tìm hiểu cách vận hành của cái mới, kiến tạo sự phát triển

Sáng 5/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển Công nghệ Chuỗi khối và khuyến nghị cho Việt Nam”. Hàng loạt vấn đề nóng liên quan đến ứng dụng công nghệ này như tài sản mã hóa, tiền kĩ thuật số đã được đề cập.

Công nghệ chuỗi khối – hay Blockchain là công nghệ lưu trữ với tính năng sổ cái phân tán. Mọi bản ghi trong sổ cái này đều được bảo mật bằng các quy tắc mật mã giúp thông tin được an toàn và không bị giả mạo, đảm bảo tính bảo mật và quyền riêng tư của các giao dịch trực tuyến. Nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận ra tiềm năng của công nghệ blockchain và áp dụng vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, vận tải, y tế, giáo dục.

Bà PAMNELLA DEVOLDER, Quyền Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam: “Vì tiền kĩ thuật số là ứng dụng được biết đến nhiều nhất của blockchain, nên một số nhà lập pháp Hoa Kỳ nhìn nhận blockchain với thái độ thận trọng. Tuy nhiên, nhìn chung, các quy định tại Mỹ khá rộng mở với tài sản kĩ thuật số, với mục tiêu tận dụng tốt nhất lợi ích mà công nghệ có thể mang lại cho xã hội.''

Bà NICOLE WYRSCH, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam: “Một trong các nguyên tắc rất quan trọng tại Thụy Sỹ là đảm bảo các khuôn khổ pháp lý ko cản trở hoạt động đổi mới công nghệ, và cần phải thân thiện với hoạt động đổi mới công nghệ. Điều này giúp cho Thụy Sỹ có được một hệ sinh thái Blockchain rất năng động như hiện nay.”

Trước làn sóng bùng nổ của công nghệ toàn cầu, thị trường Blockchain Việt Nam dự báo tiếp tục phát triển tích cực. Tuy nhiên, “sân chơi lớn” này cần có sự định hướng và dẫn dắt kịp thời.

Ông PHẠM QUỐC HOÀN, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ TT&TT: “Công nghệ Blockchain phá vỡ rất nhiều thứ, đối với từng ngành một, chúng ta cần phải ngâm cứu thật kĩ mới có thể áp dụng được, chúng ta không có chính sách chung phát triển Blockchain cho tất cả các ngành được. Cần có chính sách phát triển nhân lực ngành Blockchain. Với các nước, thường có giai đoạn thử nghiệm đối với các công nghệ mới, chúng ta cũng cần phải có giai đoạn thử nghiệm để đánh giá về công nghệ.”

Để tạo cơ sở pháp lý ứng dụng hiệu quả công nghệ này, cần bắt đầu từ tiếp nhận thông tin, xây dựng nhận thức đúng đắn.

Ông NGUYỄN MẠNH TIẾN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp cho các đại biểu Quốc hội những thông tin liên quan đến vấn đề này. Đại biểu Quốc hội, người dân, cơ quan quản lý có thêm thông tin để đưa ra quyết sách trong thời gian tới. Quan trọng nhất là hiểu được cách vận hành của cái mới, theo tinh thần là tạo điều kiện để phát triển miễn là điều đó có ích cho đất nước, cho người dân và không vi phạm những điều mà chúng ta cấm.”

Thông tin thảo luận tại hội thảo cũng sẽ là cơ sở để Ủy ban Đối ngoại tham mưu cho Quốc hội về các chính sách kinh tế đối ngoại, kinh tế số. 

Nhật Huy