Kết quả giám sát phải là liều thuốc kháng sinh đặc trị lãng phí

Thảo luận về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có ý nghĩa quan trọng. Kết quả hoạt động giám sát chuyên đề đã có tác động làm chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Để chất lượng giám sát tốt hơn, đại biểu đề nghị báo cáo cần chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Nhiều ý kiến đại biểu thống nhất cao với Báo cáo của Đoàn giám sát, cho rằng việc Quốc hội giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí góp phần thúc đẩy và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ mạnh của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều Bộ, ngành địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nội bộ, có nhiều giải pháp để chấn chỉnh tồn tại, hạn chế công tác này.

Ông NGUYỄN TUẤN ANH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An: "Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát cả giai đoạn 2016-2021. Thông qua giám sát lần này đã phát hiện sai sót, thất thoát, lãng phí trong nhiều lĩnh vực và qua đó đề nghị các kiến nghị, giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kết quả giám sát lần này của Quốc hội cũng có tác động lan tỏa, làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, được cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao."

Ông LÊ MINH NAM, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang: "Do đổi mới cách thức tổ chức và phương pháp thực hiện cho nên kết quả giám sát lần này cũng đã giải quyết được rất nhiều vấn đề một cách hiệu quả, thiết thực. Theo đó, ngoài việc xác định cụ thể những tồn tại, hạn chế trong ban hành chính sách pháp luật, định mức, tiêu chuẩn chế độ thì báo cáo còn chỉ rõ ra theo cách bắt tận tay, day tận trán và lượng hóa định mức cụ thể giá trị, khối lượng, địa chỉ những hạn chế, tồn tại và qua đó cũng khắc phục được tình trạng nêu chung. Vì cứ nêu chung thì nhiều nội dung vấn đề đã được đánh giá, kết luận nhưng nhiều người cũng sẽ không nghĩ trong đó có bóng dáng của cơ quan, đơn vị, tổ chức của mình."

Cho rằng báo cáo giám sát đã làm rõ nhiều nội dung thông qua những số liệu cụ thể liên quan đến lĩnh vực giám sát, đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai nhận định một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do yếu tố chủ quan, trách nhiệm quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. Để tăng thêm chất lượng báo cáo giám sát, đại biểu cho rằng cần chỉ rõ hơn nữa trách nhiệm của chủ thể, của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí.

Ông TRỊNH XUÂN AN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: "Báo cáo đã chỉ ra được danh mục các dự án, các công trình để xử lý là điều rất tốt. Tuy nhiên, trong báo cáo tôi còn thấy thiếu một điều gì đó. Đó là trách nhiệm, của chủ thể, của cá nhân, tổ chức nào để xảy ra tình trạng bi đát như thế này. Tình trạng này chúng ta đã thấy trong 1 thời gian dài, nhưng chuyên đề giám sát này phải coi như một liều thuốc kháng sinh cực mạnh, để chúng ta đặc trị. Để xử lý được việc này thì chúng ta phải chỉ ra được ai, tổ chức nào."

Ông LÊ HỮU TRÍ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà: "Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát đã chỉ ra rất cụ thể, các mặt còn tồn tại, gây thất thoát, lãng phí cũng chỉ rõ nguyên nhân của các tồn tại đó. Điều đó cho thấy Quốc hội đã chọn trúng và đúng vấn đề giám sát. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra tiếp theo là ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại, tổn thất, lãng phí đó; giải pháp để xử lý tiếp theo các tồn tại đó như thế nào?"

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát để thấy trách nhiệm của mình trong từng ngành, lĩnh vực, để những báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong những năm sau không còn nhắc lại những tồn tại, hạn chế đã nhiều lần nhắc đến, góp phần thực hiện tốt công tác này.