• 15660 lượt xem
  • 17:06 03/03/2022
  • Văn hóa

Khách mời hôm nay: Anh Dương Rạch Sanh, chủ nhân Phòng trưng bày văn hoá người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn

Anh Dương Rạch Sanh – người Việt, gốc Hoa, từng là phóng viên công tác tại tờ Sài gòn Giải phóng Hoa văn. Nặng lòng với việc lưu giữ văn hoá của dân tộc, anh lập ra phòng trưng bày văn hoá người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn, nơi anh trưởng thành. Hành trình 10 năm bền bỉ lưu giữ văn hóa người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn của Dương Rạch Sanh sẽ được kể trong Khách mời hôm nay của Việt Nam ngày mới.

Phòng trưng bày văn hoá người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn lưu giữ hàng ngàn kỷ vật lớn nhỏ từ giấy tờ, quần áo, vật dụng gia đình đến hình ảnh của cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn xưa. Tất cả được sắp xếp một cách gọn gàng theo từng chủ đề, từng câu chuyện, mỗi hiện vật thậm chí là những vật dụng rất đỗi bình thường của cộng đồng người Hoa đều gắn với thăng trầm của họ ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Một nét văn hóa riêng đang được gìn giữ trong đời sống đa dạng ở TP. Hồ Chí Minh

Ông Huỳnh Tuần Bá, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam là thế hệ thứ 02 của cộng đồng người Hoa Sài Gòn – Chợ Lớn. Hôm nay, ông trao cho anh Dương Rạch Sanh 02 bức chân dung của nhà văn Kim Dung và nhà văn Lỗ Tấn có tuổi đời gần 30 năm, góp phần đa dạng hơn cho bộ sưu tập kỷ vật của người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn. 

Ông HUỲNH TUẦN BÁ - Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh: “Mấy bức này thì tui rất thích, gửi tặng anh Sanh để ảnh giữ gìn bảo tồn sẽ quý hơn. Thấy nhiều bạn bè ủng hộ anh Sanh lắm.”

Từ sự hoài nghi ban đầu, nhưng với sự kiên trì, chân thành, đến nay, việc sưu tầm kỷ vật của anh Dương Rạch Sanh đã được bà con ủng hộ nhiệt tình.
MC: "Trong suốt hành trình mà anh đến tận nhà để nhận những kỷ vật, thì đâu là câu chuyện mà anh nhớ nhất và có nhiều cảm xúc nhất ạ?"

Khách mời: "Mình nhớ có 1 kỷ vật được trao bởi một cô cũng đã 70 tuổi. Trong lúc nhận kỷ vật thì mình mới nhận ra đó là cô giáo dạy tiếng Hoa của mình hồi lớp 1. Ban đầu 02 cô trò không nhận ra, thế nhưng, từ kỷ vật đó mà mình mới liên lạc lại với cô. Cô luôn ủng hộ mình, đến giờ, có kỷ vật nào quý là cô đều mang đến cho mình để mình lưu giữ". 

MC: “Trong số hàng ngàn món đồ mà anh sưu tầm được, món có giá trị nhất đối với cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn xưa?”

Khách mời: "Đó là cái gối “Lỗ Ban”, mặc dù về giá trị kinh tế không cao thế nhưng mà về mặt thời gian thì cũng lâu rồi, hơn 130 năm, đi qua 03 thế kỷ. Kỷ vật này được 01 chú người Tiều trao cho anh, ba của chú mang từ Trung Quốc sang, và đã được sử dụng từ ông nội của chú đó."

MC: “Việc sưu tầm kỷ vật chắc không vì mục đích được công nhận và đạt kỷ lục Việt Nam phải không ạ? ”

Khách mời: “Ban đầu mình không nghĩ mình sẽ đạt được kỷ lục Guiness. Nhưng ngày càng có nhiều kỷ vật và được người dân ủng hộ nên mình cũng muốn là lưu giữ lại theo quy định và được sự hỗ trợ của Hội kỷ lục gia Việt Nam. Sau khi được trao kỷ lục này thì mình cảm thấy bây giờ phải có trách nhiệm giữ bằng được bộ sưu tập này để lưu giữ và phát huy văn hoá của người Hoa Sài Gòn- Chợ Lớn.”

MC: "Anh có dự tính là sẽ mở rộng quy mô phòng trưng bày trong tương lai không?"
Khách mời: “Tương lai, mình tính sẽ nâng cấp phòng trưng bày này thành Bảo tàng khi đủ điều kiện. Hiện tại, mình cũng đang cố gắng liên hệ với các cô chú đã từng tham gia cách mạng, để sưu tầm kỷ vật của cô chú. Hiện giờ, riêng kỷ vật gắn với cách mạng Việt Nam của cộng đồng người Hoa là dã có khoảng gần 100 món. Mình đang cố gắng sưu tầm những món kỷ vật gắn liền với 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của cộng đồng người Hoa. ”

Xin cám ơn anh Rương Rạch Sanh với cuộc trao đổi này.

Hải Triều