Khai thác khoáng sản trái quy định ảnh hưởng đến môi trường

Là địa phương có số lượng mỏ khoáng sản tương đối lớn, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác. Tuy nhiên tình trạng khai thác khoáng sản trái quy định vẫn xảy ra, dẫn đến thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Diện tích 11.000 m2 này được UBND tỉnh Tuyên Quang cấp phép cho Công ty trách nhiệm hữu hạn điện tử Sơn Nam khai thác khoáng sản quặng felspat và đất làm vật liệu san lấp trong diện tích Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Sơn Nam, huyện Sơn Dương. Tổng trữ lượng được cấp phép khai thác 100.000m3, thời gian khai thác 3 năm. Trong quá trình khai thác Công ty trách nhiệm hữu hạn điện tử Sơn Nam đã khai thác vượt công suất hơn 50.300 m3/năm và khai thác vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác. Với 2 lỗi này, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ra Quyết định xử phạt vi phạm Công ty 600 triệu đồng.

Tuyên Quang hiện có 200 mỏ, điểm mỏ và 86 điểm khoáng sản, điểm biểu hiện khoáng sản. Thời gian qua tình trạng khai thác khoáng sản trái quy định diễn ra phổ biến, dẫn đến thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Riêng năm 2023, các cơ quan chức năng đã xử lý 11 doanh nghiệp vi phạm về lĩnh vực đất đai, môi trường với tổng số tiền gần 5,6 tỷ đồng; xử lý 33 tổ chức, 27 cá nhân; khởi tố 1 vụ vi phạm khai thác, thu gom, mua bán vận chuyển khoáng sản trái phép, với tổng số tiền hơn 9,8 tỷ đồng.

Để hoạt động khai thác khoáng sản tại Tuyên Quang đi vào quy củ, tránh thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường, việc tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là cần thiết, không để tái diễn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. 

Quốc Hưng -

Sỹ Cường