Khám, chữa bệnh từ xa - hiệu quả, cần thiết nhưng thiếu khung khổ pháp lý

Thời gian qua, việc triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” đã mang lại hiệu quả rõ rệt đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, giảm chi phí bảo hiểm y tế, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, hiện do chưa có luật khung hướng dẫn nên hoạt động này đang gặp những khó khăn nhất định, đòi hỏi cần sớm sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Khi dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, bên cạnh việc các thầy thuốc trực tiếp điều trị bệnh nhân thì sự chi viện từ những cuộc hội chẩn qua khám, chữa bệnh từ xa như thế này đã giúp quá trình điều trị có hiệu quả. Rút ngắn khoảng cách địa lý, kết nối các cơ sở y tế và mở ra cơ hội được điều trị có chất lượng cho rất nhiều bệnh nhân trên cả nước, giảm chi phí bảo hiểm y tế …. là những hiệu quả rõ rệt mà đề án khám bệnh, chữa bệnh từ xa và việc triển khai công nghệ thông tin đối với lĩnh vực y tế mang lại. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là hành lang pháp lý, cơ chế cho hoạt động này chưa được luật hóa. Đặc biệt, việc ký đơn thuốc từ xa cũng còn nhiều vướng mắc.

TS.Bác sỹ NGUYỄN THỊ THU THỦY - Trưởng Khoa Khám bệnh Tự nguyện, Bệnh viện Tim Hà Nội: “Mình không thể kê đơn thuốc từ xa cho bệnh nhân vì một đơn thuốc có Luật Khám, chữa bệnh và sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Hành lang pháp lý yêu cầu bác sĩ có chẩn đoán, điều trị trực tiếp từ đó mới có đơn thuốc mình phải trực tiếp ký. Chúng tôi đang thực hiện vai trò tư vấn khám chữa bệnh và các bạn tuyến dưới là người cùng chúng tôi ký đơn thuốc và các bạn có trách nhiệm trực tiếp với bệnh nhân thì đúng là có cái khó cho các bạn.”

Ngoài ra hiện nay, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế không quy định về khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Điều này đang khiến tính chịu trách nhiệm bị bỏ ngỏ; gây tâm tư đối với các y bác sĩ tham gia vào hoạt động này.

Bác sỹ LÊ TUẤN ANH - Trung tâm Tim mạch nhi, Bệnh viện Tim Hà Nội: “Chúng tôi có thể hội chẩn những ca bệnh trực tiếp trong đêm, thậm chí 2, 3 giờ sáng chúng tôi nghe điện thoại có thể tư vấn, trao đổi với các đồng nghiệp nơi xa để xử lý cấp cứu nhưng hoạt động đó trong bất cứ chế tài nào quy định đó là hoạt động khám chữa bệnh, hoặc quy định nó được thực hiện như thế nào.”

Theo các bệnh viện, chính vì chưa được luật hóa nên quá trình triển khai khám, chữa bệnh từ xa cũng chưa có bất kỳ một nguồn thu nào, phía bảo hiểm y tế cũng chưa có hướng dẫn chi trả. Đây cũng là khó khăn khi các bệnh viện tuyến Trung ương tổ chức các buổi hội chẩn trực tuyến. 

Ông LƯƠNG NGỌC KHUÊ - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế: “Trong công tác này, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn thách thức và trở ngại. Đó là giá dịch vụ y tế chưa quy định trong thực hiện, tính pháp lý bảo mật thông tin, các quy định động tuyến trên và dưới chia sẻ với nhau, một loạt các vấn đề đưa ra để hoàn thiện quy trình, cơ chế cho việc khám chữa bệnh từ xa. Chúng tôi đang tiến hành sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh, nhiệm vụ rất quan trọng đưa vào những vấn đề đó để luật hóa.”

Sau khi triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa”, 1500 bệnh viện tuyến dưới đã được kết nối vào mạng lưới. Đã có trên 4.000 nhân viên y tế tuyến trên và hơn 15.000 nhân viên y tế tại tuyến dưới đã được kết nối, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ nhau trong công tác khám chữa bệnh và tư vấn. Để hoạt động khám chữa bệnh từ xa đạt hiệu quả lâu dài thì bên cạnh các yêu cầu về nền tảng kỹ thuật, trang thiết bị cũng đòi hỏi cần sớm có một hành lang pháp lý với những chính sách phù hợp và cơ chế thanh toán rõ ràng thông qua quỹ bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo quyền lợi của cả bác sỹ và người bệnh.

Tùng Dương